|
Nhắc đến tết ông Phan Văn Tiên - một trong 11 hộ bị sập nhà tại thôn An Xuyên rơm rớm nước mắt. Ngôi nhà kiên cố của ông giờ nằm bên miệng hà bá, nhà sập tới sát vách đặt bàn thờ - Ảnh: BÁ DŨNG |
Đêm 15-12-2016 đối với người dân xóm Xuân Cỏ có lẽ sẽ không bao giờ có thể quên được bởi chỉ trong vài giờ khi nước lũ tràn về, ngôi làng đã trở nên tiêu điều, tan hoang.
11 hộ trong chốc lát đã trở về cảnh tay trắng đúng nghĩa: nhà cửa chìm dưới đáy sông, không quần áo, không chăn màn, không giấy tờ tuỳ thân. Những gia đình khác may mắn còn nhà thì cũng thiệt hại nặng nề khi bị lũ xé qua gây hư hại nặng.
“Nhà không có ở thì mong chờ chi xuân?”
Trưa 23 tháng Chạp, xóm Xuân Cỏ tròn 36 ngày từ sau đêm lũ quét qua. 36 ngày trôi qua nhưng dường như mọi thứ vẫn không thay đổi: 11 ngôi nhà bị lũ đánh sập nằm chơ vơ bên mép nước, những ngôi nhà còn lại cái thì sập vách, cái bị nứt tường.
Ngôi làng của người dân vùng nuôi trồng thuỷ sản, sống bình yên dưới từng khóm dừa ngày nào giờ mọi như vừa trải qua một đợt bom. Sự phục hồi ít ỏi có thể thấy ở xóm nhỏ này là một cây cầu tre dài khoảng 30 mét vừa được chính quyền huy động dân dựng lên nối từ trung tâm thôn An Xuyên qua lạch nước mới được mở sau lũ để về bên kia xóm Xuân Cỏ.
|
Cây cầu tre mới được dựng lên để người dân xóm Xuân Cỏ qua lại sau khi bị lũ làm hư hỏng đường sá - Ảnh: BÁ DŨNG |
Giữa trưa, bà Phạm Thị Dần và con trai bà là Nguyễn Đức Hùng vẫn hì hục nhặt nhạnh những mảng bê tông để kê quanh túp lều mà hai mẹ con bà ở tạm từ sau đêm lũ đánh sập nhà.
Bà Dần khuôn mặt buồn rười rượi, giọng rầu rĩ: “Tết nhất sắp tới rồi mà khổ rày thâu chớ còn nói chi. Nhà bị sập từ hôm đó tới giờ nên hai mẹ con phải ở trong cái lều nầy, chẳng muốn có tết nữa”.
Trong số 40 nhà dân ở xóm Xuân Cỏ bị ảnh hưởng trong đợt lũ, ngôi nhà của mẹ con bà Dần bị thiệt hại nặng nề nhất vì nhà nằm ngay sát thân đê.
“Nước về lớn quá, lúc đầu nước xé có một lạch nhỏ nhưng mấy phút sau thì vào làng cứ như sóng thần, mẹ con tôi chỉ biết ôm quần áo chạy chứ không kịp lấy gì” – bà Dần kể.
Sau lũ, nhà bà Dần bị hư hại hoàn toàn. Người đàn bà khốn khổ, nhỏ và gầy khô như tàu lá gần cả một đời chịu cảnh không chồng, nuôi hai con khôn lớn, giờ lại lâm vào cảnh trắng tay, không nhà cửa, không đồ đạc.
|
Bà Phạm Thị Dần và con trai cả tá túc trong túp lều bạt nhựa được phát từ sau ngày lũ tràn vào - Ảnh: BÁ DŨNG |
Bà Dần kể rằng từ sau khi mất nhà, hai mẹ con bà được nhiều tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm đến thăm, hỗ trợ nhưng tới nay mọi thứ vẫn trong ngổn ngang. Không còn nhà, mẹ con bà hơn một tháng nay phải ở trong tấm lều phủ bằng bạt nhựa được chính quyền cấp đối với các hộ bị mất nhà cửa.
“Chiều hôm qua xã kêu tui lên bốc thăm nhận lô đất tái định cư để làm nhà ở. Tôi bốc trúng lô nằm sâu dưới ruộng. Tính ra nếu tiền đổ đất cũng phải 50 triệu rồi, mà nhà nước hỗ trợ 100 triệu, tui cũng không biết 50 triệu thì liệu có nhà để mà ở hay không?” bà Dần nói.
Chúng tôi về những ngày tết, bà Dần tỏ vẻ không vui, rồi giọng càu nhàu: “Chú thấy mẹ con tui như rày thì có ăn được tết không? Chơ, nhà còn không có mà ở mà mong chi tết cho buồn”.
Chúng tôi đi sâu hơn vào phía trong xóm Xuân Cỏ, làng tiêu điều xơ xác, những hàng dừa cổ thụ bị lũ đánh bật gốc, nằm tức tưởi dưới mép nước. Khóm dừa non đang chuẩn bị bung trái thì thân cây ngã xuống, trái non vừa chui ra khỏi buồng đã khô rũ trên buồng.
Bên những ngôi nhà nghiêng ngả, đổ vỡ của người dân, các ao tôm cũng bị lũ xé toang. Suốt hơn một tháng nay, người dân cùng nhau dùng máy cát hùn từ sông vào để be bờ, gầy dựng lại ao nuôi nhưng mọi thứ vẫn ngổn ngang.
“Tết sắp đến rồi nhưng giờ chưa thấy nhà nào chuẩn bị gì cả, hộ thì mất nhà, cả làng ao tôm, ao cá bị mất sạch nên không ai có khoản thu nhập nào. Không có tôm, cá thì làng cũng không có tết. Riêng nhà tôi thì cả hai vợ chồng tính 28 tết đi ra chợ xã mua cho ba đứa con ba bộ đồ mới, thêm mấy cái bánh tét về đặt trên bàn thờ cho có không khí vậy chứ cũng chẳng làm gì” ông Nguyễn Thanh Tuấn - xóm Xuân Cỏ nói.
“Kê một bộ bàn, thắp một bình bông cho qua năm khó khăn”
Ở cuối xóm Xuân Cỏ, suốt hơn một tháng kể từ ngày lũ đi qua, vợ chồng ông Phan Văn Tiên, bà Nguyễn Thị Xuân chưa một đêm được ngủ ngon giấc. Ngôi nhà kiên cố của cả hai vợ chồng làm quần quật dành dụm và dựng lên, tưởng như kiên cố nhưng trong một khoảnh khắc mọi thứ đã biến đổi hoàn toàn.
|
Lũ đánh sập nhà nên hơn một tháng nay gia đình chị Trần Thị Liên (xõm Xuân Cỏ) cùng chồng và hai con tá túc tại nhà của mẹ chị Liên. Tết này cả gia đình sẽ không tổ chức như những năm trước - Ảnh: BÁ DŨNG |
Một nửa căn nhà bị lũ đánh sập, móng đá và bê tông bị ủi gốc nổi lên bên mép nước. Từ trong ngôi nhà này nhìn ra, cánh đồng tôm cũng tan hoang, tường nhà bị xuyên thủng, lạch nước mới được tạo dòng xé sát tới góc bà thờ của căn nhà.
“Từ hôm đó đến nay tôi không đêm nào ngủ ngon. Cứ nhắm mặt được chút là lại thấy mình đang chèo ghe chở hai đứa cháu đi tròng trành giữa mưa lũ. Tôi lại bật dậy, rồi đi loanh quanh nhà, bần thần và tự nhiên nước mắt lại trào ra, thấy mọi thứ buồn ghê lắm. Đêm nào hai vợ chồng cũng thức rồi ôm chiếu ra ngoài sân ngồi nói chuyện chờ trời sáng” ông Tiên ứa nước mắt, kể.
|
Những người phụ nữ trong thôn An Xuyên 3 chuẩn bị đồ để làm món kiệu muối ăn trong những ngày tết - Ảnh: BÁ DŨNG |
Sau đêm lũ về, không chỉ nhà ông Tiên, bà Xuân mất mà nhà của Sơn - cậu con trai đầu của ông bà cũng không còn. Sơn phải ẵm vợ con đi về nhà bà ngoại để ở.
Bà Xuân kể rằng do ở dưới nhà ngoại chật chội nên cách đây mấy ngày Sơn dẫn vợ con về làng, rồi xin một tấm lều bạt dựng gần nhà cũ để ở cho qua ngày.
Nhưng vừa dựng lên được một ngày thì thấy rắn bò lổm ngổm vào lều, Sơn hoảng quá phải đưa vợ con trở lại nhà ngoại. Hôm đang dọn lại đống đổ nát, một con rắn lục đuôi đỏ trốn sau cành dừa cũng đã cắn vào tay làm Sơn phải nhập viện.
Trải qua những giây phút khó khăn và sinh tử như thế nên cả ông Tiên và bà Xuân nói rằng “không có tâm trạng đâu để nghĩ đến tết nữa”. Làng đổ nát, đường đi cũng bị cắt đứt, chiều 23 tháng chạp bà Xuân đi bộ ra ngoài làng mua được một ít cam, vài gói bánh ngọt, một bộ quần áo giấy và bình bông (cúc) để sắm cho chồng làm lễ cúng đưa ông Táo lên chầu trời theo phong tục của người Việt.
So với mọi năm, đồ lễ cho ông Táo năm nay cũng nghèo và đơn sơ như chính hoàn cảnh của gia đình lúc này. Ngay trong căn nhà của mình, nước lũ xé đứt các bức tường nhưng đã dừng lại đúng vị trí nơi đặt ba chiếc bàn thờ.
“Lúc thắp hương tiễn ông Táo về chầu trời tôi cũng báo cáo hết hoàn cảnh của nhà mình. Tôi nói rằng năm nay con và vợ làm ăn khó khăn, nhà cửa, đìa tôm trôi hết không còn thứ gì nên đồ đạc sắm lễ cho ông cũng không được tươm tất như mọi năm.
Mong ông xá tội để lên đường, khi lên trên đó cũng mong ông nói đỡ, cho con qua năm mọi thứ suôn sẻ, cái khổ qua đi, cho cái nhà cái cửa, vợ con ở lại. Con cũng chỉ là hạt thóc hạt cát rơi đi, ông bà thương thì cho noi cho đủ, còn không thì con cũng đành lòng chịu khổ” ông Tiên kể.
Ông Tiên tâm sự rằng, ông bà thì không mong tết nhưng vài ngày nữa có cậu con út - hiện đang làm y sĩ ở TP.HCM đón xe về quê. Thương con, dù nhà đã bị sập gần hết nhưng mấy hôm nay ông bà cũng tranh thủ dọn dẹp, sửa sang lại bộ bàn ghế, kê lại chiếc giường, rồi mua thêm mấy gói bánh kẹo để con trai tiếp bạn bè tới thăm nhà.
“Mọi thứ đã như thế này nên có lẽ cũng chẳng ai trách gì khi tới chúc tết, có gói bánh, cái kẹo, rồi tôi cắm bình bông nữa cho qua một năm khó khăn này đi để đón năm mới, hi vọng mọi thứ tốt lành hơn” bà Xuân nói.
“Dừa non, hoa “mào gà” tiễn ông Táo về trời
Những người dân ở xóm Xuân Cỏ cho biết vì nhà cửa bị đánh sập, đường từ làng ra bên ngoài bị chia cắt nên năm nay hầu hết các hộ gia đình đều làm lễ tiễn ông Táo bằng “cây nhà lá vườn”.
Sau lũ, những hàng dừa cao lớn ở xóm Xuân Cỏ cũng bị đánh bật gốc, nhiều buồng dừa non nằm trễ trái tức tưởi dưới mép nước. Người dân đi hái trái dừa non này đặt lên bàn thờ để tiễn ông Táo như lễ vật của người dân vùng lũ hoạn nạn.
“Mấy hôm nay tôi thì suốt ngày lo đắp lại ao tôm, vợ thì vừa dọn nhà, vừa lo hai đứa con nhỏ nên chẳng đi ra ngoài được. Đêm 22 tháng Chạp âm lịch thắp hương tiễn ông Táo nhưng hai vợ chồng chỉ chỉ có một quả dừa non với cây hoa “mào gà” vợ tôi hái được ở bên nhà hàng xóm, tôi sắm lễ rồi về đặt lên bàn thờ tiễn ổng về trời. Năm nay khó khăn thế nên phải chịu để ổng đi đơn sơ” ông Nguyễn Thanh Tuấn, một trong 11 hộ dân bị sập nhà cửa ở xóm Xuân Cỏ, tâm sự.
Chung tay để người dân có tết
Trước tình cảnh mất mát của những người dân ở xóm Xuân Cỏ, từ sau lũ đến nay nhiều tổ chức, cá nhân đã tìm tới hỗ trợ, chia sẻ.
Ngày 21-1, tức 24 tháng Chạp âm lịch chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng đã tới trực tiếp từng hộ dân để hỏi thăm, chúc tết và gửi quà đối với các hộ dân bị thiệt hại.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh ông Phạm Thái Bình - cho biết có tổng cộng 19 ngôi nhà bị lũ đánh sập tại các thôn Lương Thái, Đông An và An Xuyên 3, trong đó thôn An Xuyên 3 bị nặng nhất với 11 hộ mất nhà cửa.
“Hiện xã đã bố trí các hộ mất nhà hoàn toàn một lô đất, hỗ trợ tiền để làm nhà nhưng do thời gian gấp gáp quá nên hầu hết các hộ hiện phải ở tạm trong lều bạt hoặc ở nhờ nhà người thân. Xã cũng cùng các đơn vị xuống hỏi thăm, chúc tết và chia sẻ với các gia đình để người dân đón tết – dù tết năm nay không được như những năm trước” ông Bình nói.
Theo THÁI BÁ DŨNG/Tuổi trẻ