Ngày 22/2, thông tin từ UBND phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, địa phương vừa xảy ra vụ việc hơn 40 ngôi mộ bị đập phá. Theo UBND phường Tây Mỗ, ngày 19/2, phường nhận được thông báo hơn 10 ngôi mộ tại nghĩa trang bị phá hoại. Sau đó, chính quyền, công an phường có mặt tại hiện trường ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, hàng loạt ngôi mộ tiếp tục bị phá hoại. Công an quận Nam Từ Liêm đang vào cuộc truy tìm người có hành vi phá hoại các ngôi mộ này.
|
Nhiều ngôi mộ tại nghĩa trang Tây Mỗ bị kẻ xấu đập phá.
|
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, có thể nói rằng sự việc đến 40 ngôi mộ bị đập phá giữa thủ đô Hà Nội ngay sau Tết Nguyên đán là chuyện chưa từng xảy ra, đây là vấn đề gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là sẽ gây ra sự phẫn nộ bất an đối với các gia đình có những ngôi mộ này.
Nếu hành vi đập phá một hai ngôi mộ của một gia đình nào đó thì có thể là nguyên nhân do mâu thuẫn thù oán cá nhân hoặc do người tâm thần, do trẻ em nghịch ngợm... Còn việc thực hiện hành vi đập phá đến 40 ngôi mộ trong một nghĩa trang như vậy thì hành vi này rất bất thường, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ danh tính của đối tượng đã thực hiện hành vi và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người còn sống mà còn bảo vệ sự toàn vẹn thi thể, vào vệ mồ mả, hài cốt, tro cốt của người đã chết, duy trì phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương về an táng người quá cố. Bởi vậy hành vi xâm phạm trái pháp luật đến mồ mả, thi thể, hài cốt của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 319 BLHS.
Để chứng minh tội phạm trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần chứng minh hậu quả xảy ra là nguy hiểm cho xã hội, đồng thời chứng minh về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi dân sự. Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng thực hiện hành vi đập phá 40 ngôi mộ này là người đã đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đập phá mồ mả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng này để xử lý theo điều 319 BLHS.
Cũng không loại trừ trường hợp đối tượng thực hiện hành vi đập phá xâm phạm đến mồ mả của người khác là kẻ tâm thần, không nhận thức được các chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, chuẩn mực pháp luật nên đã thực hiện hành vi gây thiệt hại, bức xúc bất bình trong xã hội.
Bởi vậy, trong vụ việc này vấn đề xác định chủ thể thực hiện hành vi đập phá mồ mã của người khác là rất quan trọng, làm cơ sở đánh giá mặt chủ quan của tội phạm, trong đó yếu tố lỗi động cơ mục đích là những vấn đề quan trọng để chứng minh tội phạm trong trường hợp này. Chỉ khi nào hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì mới đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, xử lý đối với đối tượng phạm tội.
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi đập phá những ngôi mộ này mà chưa đủ 16 tuổi hoặc mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, sẽ xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính và thực hiện các giải pháp phòng ngừa ngăn chặn để tránh sự việc tương tự có thể xảy ra. Đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự do hành vi xâm phạm đến mồ mả của người khác.
Trước tiên các gia đình cần giữ nguyên hiện trường làm căn cứ để cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường xác định thiệt hại cũng như những ảnh hưởng của hành vi vi phạm pháp luật này để xử lý với đối tượng vi phạm.
Sau khi các thủ tục hành chính tư pháp được thực hiện xong, có đủ căn cứ để xác định hậu quả xử lý đối với các đối tượng vi phạm thì các gia đình sẽ sửa chữa khắc phục những thiệt hại đã gây ra. Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với các ngôi mộ này theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi vi phạm pháp luật gây ra".
>>> Mời quý độc giả xem video: Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá như thế nào về vụ việc có tới hơn 40 ngôi mộ bị đập phá ngay giữa thủ đô Hà Nội?
Gia Đạt