Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Chính (61 tuổi, phường An Lạc, TP Chí Linh, Hải Dương) khi thấy hàng xóm xung quanh mình phải đi cách ly do tiếp xúc với những ca bệnh Covid-19.
Ngày 28/1, tiếng còi xe cứu thương phá vỡ không gian yên tĩnh của một buổi chiều cận Tết ở khu dân cư ngoại thành TP Chí Linh. Đang ăn dở bữa cơm, bà Chính cũng đoán được lý do đoàn xe này tới đây vì khu bà ở có gần 100 người phải đi cách ly.
Bỏ bát cơm xuống mâm, bà Chính chạy tới nhà chị C. xem tình hình khi biết cả gia đình nhà chị phải đi cách ly y tế. Thấy bà Chính tới, chị C. nước mắt ngắn dài: "Cô ơi, nhà cháu đi cách ly thế này thì ruộng với gia súc biết làm thế nào, cách ly xong thì nhà cháu cũng trắng tay mất".
|
Bà Chính là "thủ lĩnh" của đội quân giải cứu ruộng cho các gia đình đang phải đi cách ly |
|
Giải cứu ruộng cho các gia đình đang phải đi cách ly |
Nghe xong, bà Chính tâm tư lắm, đứng ngoài cổng bà nói với vào: "Yên tâm, đã có cô ở nhà, không ai để nhà cháu phải đong gạo đâu mà sợ, cứ an tâm đi cách ly, nhanh lên mọi người đang đợi".
Nghe thấy vậy, như ném được cục đá đè nặng trên người, chị C. thoăn thoắt chạy vào nhà xách balo đồ đạc đã chuẩn bị từ trước.
|
Mỗi sào ruộng cần có 2 cân thóc giống, ngoài ra phải mất công làm luống, gạt bằng |
Đến ngày 29/1, sau khi khảo sát 1 vòng các nhà có người đi cách ly, bà Chính tự kiểm đếm lại số diện tích cần phải phụ giúp hàng xóm. Nhận thấy một mình không thể kham nổi số lượng lớn công việc như vậy trong khi lịch thường vụ gieo cấy đã đến. Bà đã vận động chị em trong Chi hội phụ nữ phường An Lạc góp công.
|
Những ruộng nào nước sâu thì phải cấy |
"Ban đầu tôi không nghĩ sẽ nhiều người tham gia, phần vì nhà ai cũng có ruộng, phần vì gần Tết nên ai cũng bận việc nhà, ấy vậy mà mới đề xuất, mọi người đều hồ hởi đồng ý.
Những lúc thế này, mình không giúp nhau vượt qua thì còn gì tình làng nghĩa xóm", bà Chính tâm sự.
Những bữa cơm ngoài đồng
Bà Chính cùng 30 người trong hội phụ nữ thay phiên nhau tới từng nhà phải cách ly để ngâm thóc giống. Cũng từ đó, điện thoại của bà lúc nào cũng trong tình trạng sắp hết pin vì những cuộc gọi qua lại liên tục với nội dung "nhà cháu mấy sào, gieo mạ giống gì, thóc giống để đâu" với những người đang phải đi cách ly.
|
Các chị em phụ nữ ở đây gieo, cấy hộ những người đang phải đi cách ly mà không ngại mệt nhọc |
Đến thời điểm thóc giống đã nhú mầm dài, có thể mang đi gieo, bà Chính huy động tất cả chị em phụ nữ tham gia rồi phân công nhiệm vụ. Người thì mang cào, người chậu rồi bê giống, tất cả vui vẻ ra đồng.
Tại cánh đồng Ao Cá, khu dân cư Bờ Đa, những nữ nông dân trùm khăn, đội nón, xắn tay áo lên mỗi người một việc.
|
Những công việc không được trả lương |
Theo bà Chính, việc gieo mạ nhìn thế thôi nhưng rất cầu kỳ, trước tiên phải tháo nước, làm luống bằng cào, khi nào phẳng thì mới gieo được, ruộng nào sâu thì phải cấy.
Mỗi sào ruộng phải đáp ứng 2 cân thóc giống, vãi giống phải đều tay, mỏng quá thì không năng suất, dày quá thì lúa dễ chết. Như vậy, một người làm kịch liệt từ sáng tới tối cũng chỉ gieo được hơn 1 sào ruộng.
"Mình làm hộ người ta thì cũng phải có tâm như làm cho nhà mình, không thể bỏ qua bước nào, chết lúa, ra Tết nhà họ phải đi đong gạo thì khổ thân", bà Chính bày tỏ.
|
30 người trong chi hội phụ nữ phường An Lạc quyết tâm giúp những gia đình có người đi cách ly không thể đảm đương việc đồng áng |
Hôm nay cũng là ngày bà Chính gieo mạ hộ một gia đình có chồng thuộc diện F1 phải đi cách ly và vợ F2 cách ly tại nhà với diện tích hơn 2 mẫu ruộng.
Để hoàn thành, bà phải cùng 2 người nữa chia nhau gieo hơn một ngày mới xong. Có hôm, toàn "đội quân" phải đi từ sáng sớm tới tận tối muộn nhập nhèm mới về nhà.
Cũng ngần ấy ngày, chồng bà là ông Tạc thường xuyên phải mang cơm trưa ra tận bờ ruộng để tiếp sức cho vợ và những chị em khác.
Những bữa cơm chỉ vỏn vẹn 30 phút rồi ai cũng lại trở về với phần việc đang dang dở. Mệt nhọc là thế, ấy vậy mà chưa từng một ai trong nhóm nói câu than thở, mà thay vào đó là những tiếng cười rộn vang trong những ngày cận Tết đặc biệt.
Đến nay, đã có tổng cộng gần 17 mẫu ruộng được "đội quân" này gieo, cấy xong cho những gia đình có người đi cách ly. Chỉ còn gần 10 mẫu nữa, nếu xong hết thì tất cả lại chung tay phụ giúp phần việc nhà mình còn đang bỏ lại.
"Nhà tôi có một mẫu hai ruộng, chồng cùng các con đã tự gieo sắp xong, kể cả sau này phải chăm bón thì tôi còn sức cũng sẽ làm, chẳng ai trả lương cho những việc này, nhưng thứ họ cần là sự sẻ chia, là tình người trong đại dịch", bà Chính nhoẻn miệng cười.
Theo Phạm Công/Vietnamnet