VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Nguyễn Hiếu Quân - một người đang công tác trong ngành giáo dục - trước nhu cầu đổi mới trong tuyển dụng giáo viên. Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Khoán 10 năm 1988 đã thừa nhận “hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ”, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước và mang lại hiệu quả kinh tế to lớn.
Nhưng kinh tế và giáo dục vốn khác nhau. Bối cảnh xã hội cũng đã thay đổi. Như vậy, nếu có một cơ chế khoán 10 trong ngành giáo dục, nhất là về tuyển dụng giáo viên, ta không thể hiểu một cách máy móc và đơn giản là cứ giao cho hiệu trưởng các trường được tự tuyển, tự chọn.
Điều này không giúp giải quyết tốt vấn đề nhân sự trong trường, mà có thể sẽ phát sinh tiêu cực.
Thứ nhất, việc giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng có thể sẽ dẫn đến vấn nạn chạy việc, tiêu cực trong công tác tuyển dụng bởi hiệu trưởng là người có tiếng nói và quyết định cuối cùng.
Mặt khác, với chương trình giáo dục phổ thông mới, số lượng học sinh học các môn sẽ thay đổi hàng năm theo nhu cầu và lựa chọn của các em. Việc thừa thiếu cục bộ vẫn sẽ diễn ra hàng năm, từ môn nọ chuyển sang môn kia.
Thứ hai, khoán 10 “mới” phải có mức độ hiểu rộng hơn. “Giao cho từng hộ” không chỉ dừng lại ở không gian cứng của mỗi trường học, mà là giao quyền tự chủ để các trường có thể mở rộng môi trường giáo dục.
Trên cơ sở đó, nhà trường có thể linh hoạt tận dụng các nguồn lực sẵn có như các lớp học online, dạy tăng cường; tạo điều kiện về thời gian và kinh phí để bồi dưỡng giáo viên. Thậm chí trường có thể chủ động xây dựng kế hoạch và phương án “đổi” giáo viên tạm thời giữa các trường đồng cấp trong địa bàn để giải quyết vấn đề thừa thiếu cục bộ trong năm học.
Thứ ba, khoán 10 “mới” trong giáo dục cần nhất là sự đổi mới mạnh mẽ về việc liên thông, liên kết giữa nhu cầu việc làm và công tác đào tạo. Chỉ khi nào người học được đảm bảo việc làm lúc tốt nghiệp, khi đó người giỏi sẽ đến, sẽ chuyên tâm với ngành sư phạm.
Thực tế, việc tuyển dụng giáo viên là không khó. Có chăng, khó khăn là do đa số sinh viên sư phạm khi ra trường không thể chờ đợi đến khi có chỉ tiêu ở các trường để thi viên chức, hoặc thậm chí phải “chạy" việc.
Để mưu sinh, họ phải tìm việc làm khác trái với nghề được đào tạo. Cứ thế, họ buộc rời xa ước mơ đứng trên bục giảng.
Như thế, “khoán 10” trong tuyển dụng giáo viên không phải là sự lặp lại cứng nhắc, máy móc của lịch sử, mà phải mang tinh thần đổi mới.
Từ đó, mới có thể hạn chế bớt tiêu cực phát sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên sư phạm ra trường được đứng trên bục giảng, để giáo viên sống được với nghề, và để học trò được thụ hưởng những gì tốt nhất mà chương trình giáo dục phổ thông đang hướng đến.
Nguyễn Hiếu Quân (Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng)
Cả nước đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Trong khi đó, vẫn đang thừa 10.178 giáo viên ở cả tiểu học, THCS, THPT. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm nay, có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc.
Mới đây, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học này giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, làm thế nào để tuyển đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu đề ra mới là câu chuyện đáng bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng thốt lên rằng: Ngành GD nắm tất cả trừ 2 thứ: giáo viên và tài chính. Vậy, nên chăng cần có 1 khoán 10 trong tuyển dụng giáo viên để gỡ khó cho cả Bộ, cơ sở đào tạo và nhà giáo?
Ban Giáo dục mở diễn đàn “Tuyển dụng giáo viên: Cần có một khoán 10”. Mời bạn đọc gửi ý kiến về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!