1. Khoảng 10h45 ngày 21/6/2012, nhiều người dân trên phố Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội) kinh hoàng bởi một tiếng nổ lớn, phát ra tại khu vực gần cửa hàng vàng Hoàng Tín (số nhà 124 phố Nguyễn Thái Học).
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội, các lực lượng: Phòng PC45, Phòng PC54, Công an quận Đống Đa, Công an quận Ba Đình, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát 113, Công an phường Cát Linh, Công an phường Điện Biên… đã kịp thời phong tỏa hiện trường vụ cướp tiệm vàng bằng mìn, cấp cứu người bị nạn.
Đồng thời cơ quan công an cũng tổ chức khám nghiệm, rà soát, ghi lời khai người làm chứng, tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, thu giữ vật chứng (1 xe máy, 1 điện thoại di động, 1 dùi cui điện, 1 dao nhọn). Bước đầu xác định đối tượng dùng thuốc nổ AL - PHO, loại thuốc nổ công nghiệp dùng để phá đá, chế tạo mìn.
Theo cơ quan điều tra, buổi trưa hôm đó một đối tượng đi xe gắn máy đến tiệm vàng, dừng xe ở cửa, đi vào trong, mang theo một túi hộp nhựa và chìa ra mảnh giấy viết nội dung phải đưa ngay tiền cho hắn.
Khi đó tiệm vàng có khoảng 5-6 người. Người chủ tiệm vàng tiến gần đến đối tượng, hỏi hắn cần bao nhiêu, rồi lấy chân đá chiếc hộp ra xa phía cửa. Đối tượng bất ngờ hô lớn: "Cẩn thận không nổ". Sau vài giây giằng co thì chiếc hộp được ném ra ngoài đường. Ngay lập tức đối tượng bỏ chạy.
Bảo vệ tiệm vàng cùng quần chúng nhân dân đã đuổi theo. Khi đối tượng chạy khỏi hiện trường chừng 30m thì khối thuốc nổ bị kích hoạt. Sau khi chạy vào phố Lý Văn Phức, đối tượng trèo qua một số nhà rồi chạy tiếp sang ngõ 20 phố Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội). Khi hắn định trèo lên một chiếc xe máy của người dân để tẩu thoát thì bị lực lượng Công an phường Cát Linh phối hợp cùng quần chúng nhân dân bắt giữ. Hắn là Tạ Văn Thanh.
Tại cơ quan điều tra, Thanh đã khai nhận tất cả hành vi mua bán thuốc nổ, chế mìn để thực hiện hành vi cướp tiệm vàng. Vóc người tầm thước, da đen, trông Thanh có vẻ là một người từng trải. Hắn cũng tỏ ra khá bình tĩnh khi trả lời rành rọt những câu hỏi của cơ quan điều tra.
Thanh khai, hắn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo. Hai tuổi, mẹ đã bỏ hắn đi nước ngoài. Sau đó bố hắn lấy mẹ kế và có thêm hai em trai. Thanh chỉ được học hết lớp 5. Sau đó thì bỏ học rồi đi làm thuê tự do. Thanh cũng khai từng làm thuê ở Hà Nội khoảng 4 tháng rưỡi. Thanh cũng có một thời gian dài làm cửu vạn ở Lạng Sơn. Qua một người bạn ở đó, hắn được hướng dẫn về cách làm mìn tự tạo.
Thanh kể, bao năm làm cửu vạn chẳng tích được mấy đồng, nên hắn nghĩ chỉ có cướp tiệm vàng mới có tiền nhiều. Thanh liền mua thuốc nổ và 10 kíp thuốc nổ cùng dao, dùi cui điện. Sáng 20.6.2012, Thanh từ Lạng Sơn về Hà Nội để thực hiện ý định. Khi đi qua phố Nguyễn Thái Học, hắn đã tăm tia tiệm vàng Hoàng Tín. Tối cùng ngày hắn xuống quận Thanh Xuân và thuê một nhà nghỉ trên địa bàn. Sáng hôm sau thì hành động.
|
Đối tượng Tạ Văn Thanh. |
2. Chúng tôi gặp ông Tạ Văn Hảo (bố đẻ của Tạ Văn Thanh) tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng, Bắc Giang) trong một ngày hè oi ả. Người cha già tội nghiệp giờ đây chỉ biết cố gắng làm thuê làm mướn, để vừa nuôi đứa con nhỏ và thăm nuôi 2 thằng lớn. "Chúng tôi đều là những người dân làm ăn lương thiện, quanh năm chỉ biết cắm đầu vào việc để kiếm miếng ăn. Thế mà không hiểu thằng Thanh học đâu cái thói dùng mìn đi cướp, lại còn rủ cả em trai để ra đến nông nỗi này…" - ông Hảo nói mà như khóc.
Gạt nước mắt, ông kể năm 1985, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tâm (xóm Biếu, Tư Mại, Yên Dũng). Khi Thanh còn bé nhưng do kinh tế quá khó khăn, bà Tâm đã theo người làng sang Trung Quốc và mất tích từ đó.
Vài năm sau, không chịu nổi cảnh gà trống nuôi con, ông Hảo lấy bà Thân Thị Đương (thôn Chiền, xã Nội Hoàng). Thanh có vẻ không ủng hộ quyết định của bố, nên tỏ ra ghẻ lạnh với mẹ kế. Ông Hảo cũng tự nhận, từ bé Thanh đã sống lủi thủi, đi học, đi chơi chỉ có một mình, hầu như không có bạn bè. Sau một thời gian sống với con tại Tân Liễu, ông Hảo chuyển lên Nội Hoàng sống ở nhà vợ. Thanh lúc đó sống cùng bà ngoại.
Thanh lớn lên như cây cỏ. Ông Hảo than, vì kinh tế khó khăn quá nên chẳng có thời gian chăm lo cho con. Lấy vợ hai, ông Hảo có thêm hai con trai. Quanh năm suốt tháng làm ruộng, rồi cày thuê cuốc mướn cũng chỉ đủ ngày hai bữa. Hằng tuần ông vẫn chạy qua thăm mẹ già, con dại, song hai cha con cũng ít khi nói chuyện với nhau.
Học hết lớp 5 thì Thanh bỏ học, đi làm cửu vạn. Theo người dì, Thanh lên Lạng Sơn làm một thời gian. Ít lâu sau thì hai cha con đưa nhau vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm tại nhà bếp của một công ty liên doanh. Được gần hai năm, ông Hảo quay ra Bắc. Vài năm sau thì Thanh cũng về nhà, lại lên Lạng Sơn kiếm sống.
Ông Hảo kể: Suốt quãng thời gian Thanh đi làm, mỗi lần về thăm nhà cũng chỉ chốc lát. Và ông không mấy khi thấy con có tiền. Thời gian đầu Thanh đi làm trên Lạng Sơn, mỗi lần Thanh về thăm nhà ông còn phải cho thêm tiền xe đi đường. Họa hoằn có ngày Tết về nhà Thanh mới mua cho gia đình được ít bánh kẹo, mứt Tết.
Mặc dù tuổi cũng không còn trẻ, nhưng Thanh chưa một lần dẫn người yêu hay bạn gái về nhà. Nhiều lần giục con lấy vợ thì Thanh đều bảo chưa muốn lấy vợ sớm quá. "Tôi có cảm giác nó muốn tính toán một điều gì đó. Có lẽ nó muốn dành dụm tiền, xây nhà ở dưới ấy rồi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình" - ông Hảo chia sẻ.
Người cha tội nghiệp cũng không tài nào giải thích nổi tại sao con mình lại gây ra cái chuyện tày đình ấy. Ông liên tục hút thuốc lào, rồi lại ngồi thừ ra, lắc đầu và thở dài.
Nhìn ngôi nhà xây bằng gạch mộc chỉ hơn chục mét vuông, ông Hảo rầu rĩ nói: "Chúng tôi mua nó từ năm 1995 với giá hai triệu đồng, đều là tiền bên vợ cả". Căn nhà chỉ có cái tivi là giá trị nhất. Hai đứa con với người vợ sau cũng đã lớn. Một đứa chuẩn bị thi đại học, đứa học lớp chín. Hỏi ông có muốn xuống Hà Nội thăm Thanh không. Ông Hảo lại thừ ra một lúc rồi trả lời: "Tôi cũng muốn lắm, nhưng mà không có tiền…".
Và cho đến khi Tạ Văn Thanh bị tuyên án tử hình thì trong phòng xử thênh thang của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, Thanh cứ cố ngoảnh lại, ngơ ngác tìm nhưng vẫn không nhìn thấy mẹ. Giây phút này, giây phút mà từ đây, cuộc sống của Thanh chỉ còn tính bằng ngày, mẹ Thanh vẫn bặt vô âm tín.
Là con trai duy nhất của cuộc hôn nhân đầu tiên của cha nhưng Thanh chẳng hề được cưng nựng, yêu chiều như những đứa trẻ trai khác ở thôn quê, nơi mà tư tưởng trọng nam vẫn còn khá nặng nề.
Cha mẹ Thanh ở cùng làng, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Nghe theo người làng, mẹ Thanh lên biên giới làm khuân vác thuê rồi bặt tăm từ đấy, khi Thanh mới chừng 3-4 tuổi.
Sau buổi sáng nhìn thấy bóng mẹ cuối cùng ấy, mẹ Thanh mãi mãi không bao giờ trở về cái làng quê Bắc Giang nghèo khó nữa, bỏ lại chồng và đứa con trai còn quá thơ dại, non nớt. 3 - 4 tuổi, mẹ bỏ đi chỉ còn cha nhưng cha Thanh dù ở cùng nhà song mải mê kiếm sống nên hầu như có rất ít thời gian để chăm sóc đứa con trai bé bỏng tội nghiệp. Suốt cả tuổi thơ, Thanh hầu như chỉ sống với ông bà nội.
Và, bất hạnh nữa lại giáng xuống đầu Thanh. Khi Thanh còn chưa kịp trưởng thành thì bà nội ra đi mãi mãi vì bệnh tật. Cái chết của bà nội khiến Thanh như đứa trẻ mồ côi. Thanh phải tự sống một mình từ khi còn là một cậu bé.
Không có ai chăm lo, dạy bảo nên Thanh chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ ở nhà. Chơi dài mà khó có miếng ăn, lớn lên chút nữa, có sức lực, Thanh tìm đường lên Lạng Sơn làm cửu vạn. Rồi phiêu bạt vào tận Vũng Tàu làm thuê. Thanh đi đâu, làm gì, cha Thanh hầu như không biết.
Những lần hiếm hoi Thanh về thăm nhà, cha con cũng chả nói chuyện được nhiều với nhau. Phần vì thời gian chỉ chớp nhoáng. Phần vì cha Thanh đã bỏ con ở một mình quá lâu nên khoảng cách giữa hai người ngày càng xa vời vợi. Ngay đến thời điểm trước khi về Hà Nội cướp tiệm vàng, Thanh mang mìn về nhà thử nghiệm, ông cũng không biết nốt.
Khi Thanh bị tuyên án tử hình, ông Hảo về Hà Nội dự tòa, mang theo bao nhiêu dằn vặt, day dứt. Ông khóc khi nói với các nhà báo rằng: "Từ khi thằng Thanh, thằng Hà bị bắt vì gây chuyện tày đình, tôi chỉ biết tự trách mình đã chỉ mải lo miếng cơm manh áo mà quên không giáo dục, dạy dỗ các con cẩn thận. Cái giá mà chúng tôi phải trả bây giờ quá đắt".
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu