Đặc sắc tục gọi hồn của người Thái
Ở Việt Nam, người Thái có khoảng hơn 1 triệu người, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An.
Mặc dù cùng là Tết Nguyên đán nhưng người Thái lại có cả một mùa lễ hội kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp cho đến mùng 10 tháng Giêng. Theo phong tục đón Tết Nguyên đán của người Thái, vào tối ngày 29 sẽ bắt đầu gói bánh chưng. Người Thái thường gói bánh chưng màu đen và màu trắng. Trong đó, để làm bánh chưng đen, người Thái đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen.
|
Theo quan niệm của người Thái, nếu ai bóc được chiếc bánh chưng đen đầu tiên sẽ may mắn cả năm.
|
Nhắc đến phong tục ngày Tết của người Thái, không thể không nhắc đến phong tục gọi hồn. Diễn ra vào tối ngày 29 và 30, mỗi gia đình thịt 2 con gà, một để cúng tổ tiên, một là để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Để gọi hồn, thầy cúng lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một cây củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa.
Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm.
Vào đêm ngày 30, sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc...gia đình nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà.
Người Thái còn có tục “Pông Chay” vào đêm giao thừa, tức là mọi người sẽ không ngủ mà cùng quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị một món ăn nào đó hoặc đơn giản là chuyện trò với nhau để trải qua khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Theo đó, vào đêm giao thừa cả nhà thường không ai ngủ, đèn luôn thắp sáng, hương nhang không được tàn. Các thành viên trong gia đình ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá... Thỉnh thoảng chủ nhà sẽ đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến. Đúng thời khắc giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu".
Sáng mùng 1, các gia đình sẽ ra suối để lấy nước mát về mong may mắn cả năm. Và đến chiều, tất thảy già trẻ gái trai đều gội đầu để gột trôi hết mọi xui xẻo, vất vả của năm cũ, đón chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Tết Cao Lan ngập tràn sắc đỏ
Cao Lan là một nhánh của tộc Sán Chay bao gồm Cao Lan và Sán Chí sống ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Tết Cao Lan là một trong những biểu hiện rất rõ đời sống văn hóa tinh thần độc đáo ấy.
Tết Nguyên đán được người Cao Lan chuẩn bị rất chu đáo. Sau một năm làm việc vất vả, đây là dịp cho mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành.
Các gia đình tụ họp đông đủ bên bếp lửa hồng, cùng nhau chuyện trò, bàn bạc và đánh giá thành quả của gia đình trong năm qua và bàn cách làm ăn trong năm tới. Thời gian ăn tết của người Cao Lan kéo dài từ 27-28 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng (Âm lịch).
Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan là tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt) trong nhà. Khoảng trước tết 2 ngày (28, 29 tháng Chạp) là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang, thịnh vượng.
Cũng theo phong tục dân tộc Cao Lan, ngày mùng 1 sẽ đi thăm họ hàng, mùng 2 là làng xóm. Món ăn đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán, bánh khảo như các dân tộc khác). Ngày Tết, bất kỳ gia đình nào cũng làm bánh vắt vai. Đó là loại bánh được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường.
Trong dịp Tết, người Cao Lan đi lễ tết họ hàng nội ngoại ở xa, bánh này được cấu tạo theo chiều dài có thể vắt trên vai nên người ta gọi đó là bánh vắt vai.
Sáng sớm ngày mồng một tết, các gia đình cúng tổ tiên tại nhà mình, mời tổ tiên ăn cỗ mừng năm mới và xin tổ tiên phù hộ cho con cháu, cho dòng tộc được hưởng mọi sự tốt lành.
|
Người Cao Lan vui hát Sình ca trong dịp Tết.
|
Sau khi đã cúng gia tiên, chủ nhà cho phép con cháu cùng ăn cỗ. Con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ. Chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản. Còn các mẹ, các chị thì ở nhà làm cơm đón khách và vui tết tại nhà mình.
Phải đến ngày mồng 2, mồng 3 thì các bà, các chị mới được đi chúc tết. Lúc này người ta mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất của dân tộc Cao Lan. Từ các nẻo đường, ngõ xóm, những màu áo chàm thẫm với chiếc thắt lưng hoa đào, hoa lý như khoe sắc trong gió xuân.
Và cũng từ ngày mồng 2 tết trở đi, các gia đình có bạn hát đến nhà chơi, họ chúc nhau sang năm mới có những điều hạnh phúc, tốt lành. Mọi người cùng ăn cỗ và hát Sình ca (những bài hát chúc mừng năm mới). Cuộc hát được tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia.
Trong dân tộc Cao Lan, chiếc cối xay, cối giã có vị trí rất quan trọng đối với mỗi gia đình. Đó là biểu tượng của âm dương. Người Cao Lan quan niệm, nếu mở cối vào giờ tốt thì quanh năm thóc gạo nhiều.
Đó chính là sự sinh sản, sự no đủ. Bởi vậy ngày mồng 2 tết, các gia đình làm lễ ra đình (lễ này gồm một miếng thịt, một chiếc bánh chưng) để xin “thày” mở cối xay cối giã. Dân bản lại cử ra một thày mo có uy tín đại diện cho làng để cúng thổ công, xin âm dương cho cả làng.
Việc đón tết Nguyên đán của người Cao Lan ở Bắc Giang là sự gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, trong dòng tộc, và cả cộng đồng làng xã. Với người Cao Lan, từ xa xưa đến nay, Tết Nguyên đán không chỉ là sự ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn là dịp để mọi người đến với nhau gần hơn qua câu hát Sình ca với những lời chúc mừng tốt đẹp.
Tết ở Tây Nguyên lạ lùng với tục "bắt chồng"
Nếu như các dân tộc vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì các dân tộc ở Tây Nguyên cũng có tục “bắt chồng”. Vui trong tiết xuân tràn trề nhựa sống, say trong ché rượu cần ấm nồng tình lứa đôi, các chàng trai cô gái có tình ý với nhau sẽ ra dấu để nàng chuẩn bị “bắt chàng” về chung nhà. Vào “đêm thiêng”, cô gái sẽ cùng 10 người thân tộc sang nhà chàng trai để đưa sính lễ và ngỏ ý cầu thân. Nếu cha mẹ đồng ý thì coi như hai người đã trở thành vợ chồng, còn không thì cũng khéo léo từ chối để bên nhà gái không bị bẽ mặt.
Bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba, mùa bắt chồng của các thiếu nữ dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung diễn ra trong không khí vui tươi, nhộn nhịp.
|
Tái hiện Lễ bắt chồng của các cô gái dân tộc Churu.
|
Như nét văn hóa độc đáo được truyền từ bao đời nay, lễ bắt chồng thường thực hiện vào ban đêm. Khi ưng ý một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Trong ba tháng mùa Xuân, gia đình nhà gái chọn ngày mang hoa quả đến nhà trai nói chuyện dạm hỏi. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai trong đêm đẹp trời. Sở dĩ lễ bắt chồng thường diễn ra lúc ban đêm bởi có một số trường hợp đi hỏi bị từ chối, việc dạm hỏi được tổ chức vào buổi tối để nhà gái không cảm thấy xấu hổ, đồng thời cũng thể hiện được lòng tự trọng của họ. Trường hợp người con trai không thích có thể tháo nhẫn trả lại, nhưng 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi, lặp lại cho đến khi nào chàng trai thương và chấp nhận thì đám cưới diễn ra.
Khi cả hai bên đã thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để chuẩn bị cho ngày đón rể. Nhà trai chủ động đưa ra yêu cầu về lễ vật dẫn cưới và được hai bên cùng chấp nhận. Ngoài nhẫn, hạt cườm và các lễ vật khác, còn có thêm khăn trắng và khăn xanh. Khăn trắng để dành cho đàn ông; khăn xanh để dành cho các cô, các bà, các chị; nhiều ít do nhà trai thách, nhà trai thách bao nhiêu quà thì nhà gái phải đáp ứng đầy đủ mới cưới được chồng.
Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức đêm hội gọi là “Đêm bắt chồng”. Sau màn dặn dò và chia của hồi môn, mẹ cô gái choàng, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc trùm khăn lên cô dâu chú rể là một nghi thức quan trọng cầu cho lứa đôi hạnh phúc, luôn sát cánh bên nhau trong hạnh phúc cũng như hoạn nạn.
Cũng trong đêm này, chàng trai và cô gái cần đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, trong đó có những câu độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...”. Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Người thân, dân làng sẽ tổ chức màn đấu chiêng, cùng nhau uống rượu và múa hát với mong muốn mọi sự mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua và chung vui chúc mừng cho cặp vợ chồng mới cưới.
Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ. Theo tục lệ, chàng trai sẽ ở rể và hai bên dòng họ thử thách tình yêu của đôi vợ chồng trong năm đầu tiên. Một năm sau, bên đằng trai cho vốn con trai, nhà có trâu cho trâu, có gì cho nấy như quần áo, tô chén. Sau đó bên đằng gái cho vốn hai vợ chồng rồi hỏi hai vợ chồng muốn ăn riêng hay ở chung với bố mẹ. Nhưng dù ở chung hay ở riêng thì đôi vợ chồng vẫn luôn cố gắng yêu thương chăm sóc lẫn nhau, giữ trọn đạo hiếu với dòng họ và cha mẹ hai bên.
Lễ hội bắt chồng của người Chu Ru, Cil, Cơ Ho… hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên, tạo thêm nét độc đáo hấp dẫn trên vùng đất với nhiều huyền thoại của núi rừng.
Theo Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam