"Độc cô cầu bại" đất võ Bình Định, có 12 đời vợ, cuối đời ẩn dật 1 mình

Google News

Suốt 1 đời tung hoành trong làng võ Việt với biệt danh “Độc cô cầu bại”, bởi ông chưa biết thua 1 trận đài nào. Đã giỏi võ, lại là “mỹ nam”, nên đi đến đâu ông cũng được người đẹp yêu thương đến đó.

Có đến 12 đời vợ, nhưng cuối đời ông lại 1 mình ẩn dật trên đỉnh đèo ngày ngày nghiên cứu võ thuật. Mới đây, dù đã 74 tuổi, nhưng ông còn viết đơn thách đấu với 1 võ sư hải ngoại.
Những câu chuyện của riêng ông đã trở thành huyền thoại của cả làng võ Bình Định. Ông là lão võ sư Phi Long, tên thật Trần Quốc Long, ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Bách chiến bách thắng
Võ sư Phi Long vốn là con nhà nòi của dòng họ võ thuật nức tiếng đất võ Bình Định. Thời niên thiếu, ông được các võ sư nổi tiếng đương thời như Nguyễn Thái Sơn ở huyện Hoài Ân (Bình Định), võ sư Trịnh Thiếu Anh ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) về tận nhà dạy võ. Chưa thỏa, chàng trai mê võ Trần Quốc Long còn tự tìm những thầy võ nổi tiếng khác để bái sư, sau đó bắt đầu sự nghiệp đánh đài.
Võ sư Phi Long thời trẻ. 
Võ nghiệp của võ sư Phi Long bắt nguồn từ võ đường của võ sư Lý Xuân Tạo ở TX An Nhơn (Bình Định) với cái tên Lý Quốc Long. Nhờ “bách chiến bách thắng” nên ông Long được thầy Tạo trả tiền trận rất cao, từ 70.000 - 75.000 đồng/trận. Vào thời điểm ấy, số tiền thu được từ mỗi trận đấu của ông Long có thể mua được 2 chiếc xe Honda 67 (37.000 đồng/chiếc).
Tên tuổi võ sĩ Lý Quốc Long nhanh chóng nổi như cồn ở Tây Nguyên. Lúc ấy, tại quê nhà ở huyện Tây Sơn cũng đang nổi lên một tên tuổi được truyền tụng là “không có đối thủ”. Đó là võ sĩ Hai Hượt, đệ tử của võ sư Phan Thọ. Ông Long về quê thách đấu. Kèm với sự thách đấu là lời tuyên bố sẽ hạ đối thủ ở ngay hiệp đấu thứ nhất. Đối thủ Hai Hượt nhận lời, hai bên ký giao kèo sinh tử, trận đấu sẽ diễn ra tại Trường hát Hồng Lạc ở Phú Phong (huyện Tây Sơn). Tuy nhiên, sau khi nghe “giang hồ” đồn đại rằng võ sĩ Lý Quốc Long là đối thủ đáng gờm, nức tiếng khắp Tây Nguyên, bất bại trên mọi sàn đài, sau đó Hai Hượt xin xả độ.
Năm 1968, võ sư Phi Long có 1 trận đấu đáng nhớ, trong trận này ông Long không chỉ đấu võ mà còn đấu với… lựu đạn! Thượng đài với võ sĩ Trần Lâm tại võ đài Cam Phúc (TX Cam Ranh, Khánh Hòa). Trong trận đấu này, bạn bè của Trần Lâm là lính chế độ Sài Gòn, mang cả súng và lựu đạn đi “cổ vũ”. Biết vậy, nhưng tinh thần ông Long không lung lạc, mới bước sang hiệp 2 võ sĩ Lý Quốc Long đã “nốc ao” Trần Lâm bằng 1 đòn quyền. Khi ông Long vừa bước xuống sàn đài là lập tức bị bạn của võ sĩ đối thủ ném lựu đạn truy sát. Có 4 quả lựu đạn được ném ra, ông Long may mắn chạy thoát nhưng có rất nhiều đi xem võ đài hôm ấy bị thương vong.
Võ sư Phi Long thượng đài tổng cộng 87 trận mà chưa hề thua trận nào.
Mê võ bỏ vợ
Năm 2000, võ sư Phi Long quay về quy ẩn trong căn nhà nhỏ trên đèo An Khê, giáp ranh giữa Bình Định - Gia Lai, ngày ngày chăm sóc cây cảnh và nghiên cứu võ thuật. Ông sống 1 mình, không vợ không con, dù trước đó cuộc đời ông đã từng gắn bó với 12 người phụ nữ và có được 6 người con. Hôm tôi gọi điện hẹn làm việc, ông trả lời sảng khoái: “Đang ở một mình mà có người đến trò chuyện thì còn gì vui bằng. Nhưng chú phải gọi trước một hôm, chứ tôi hay đi chơi lắm. Những hôm trời không mưa gió, tôi thường chạy chiếc Exciter xuống Quy Nhơn uống cà phê đàm đạo với bạn võ lắm!”.
Năm nay đã 74 tuổi nhưng trông võ sư Phi Long chẳng “lão” tí nào. Với vóc dáng cao 1,81m, cơ thể săn chắc, quần jean áo sơ mi, trông ông ngời ngời sức sống. Nói đến quãng đời cuối cô độc của mình, võ sư Phi Long nói một câu bông đùa nhưng không giấu được nỗi niềm xót xa: “Ông bà xưa nói cấm sai, lắm mối tối nằm không mà chú!”.
Cuộc đời võ nghiệp đã đưa võ sư Phi Long rày đây mai đó để đấu đài, để dạy võ. Mỗi nơi chàng võ sĩ tài hoa lưu lại đều có bóng dáng một phụ nữ yêu võ thuật, mê đắm chàng võ sĩ có gương mặt điển trai, sở hữu những đòn quyền sát thủ, và hầu hết ai cũng “sắc nước hương trời”.
“Cũng bởi cái tội mê võ, cứ bôn ba đó đây nên tôi không trụ được với người vợ nào. Ai đời ở với vợ mà cứ nghĩ đến quyền đến cước, mãi mê tập luyện, bỏ bê mấy bả nên làm sao mấy bả không buồn cho được. Nếu là người khác, với 12 người vợ ít nhất cũng sinh được vài chục đứa con. Đằng này tôi chỉ có 6 đứa con, như vậy đủ thấy tôi “mê võ bỏ vợ” như thế nào”, võ sư Phi Long bộc bạch.
Cuộc sống một mình giữa rừng núi buồn thật, nhưng lại là điều kiện tốt để võ sư Phi Long thực hiện ý nguyện cuối đời. Ngoài những lúc trà lá thư giãn cùng bạn võ, về nơi ẩn cư là ông đang tập trung nghiên cứu võ thuật và những bài thuốc võ. Theo ông, trong võ học dùng nhu thắng cương mới là điều đáng nói, dùng mạnh thắng yếu là lẽ thường. Do vậy, trong những ngày cuối đời, võ sư Phi Long dốc lực nghiên cứu, kết hợp hầu quyền với lợi thế là sự nhanh nhẹn và miêu quyền với lợi thế uyển chuyển, để có được những độc chiêu “nhu thắng cương”.
Thách đấu cùng võ sư Nam Anh
Sau 2 trận đấu với các võ sư Đoàn Bảo Châu và Trần Lê Hoài Linh của Việt Nam, võ sư Pierre Flores của Canada toàn thắng cả 2 trận. Sau đó võ sư Pierre Flores tiếp tục thách đấu với võ sư chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt.
Theo võ sư Phi Long, võ sư Pierre Flores là học trò của võ sư Nam Anh. Trước năm 1975, võ sư Nam Anh là đại tá quân đội cư trú tại Sài Gòn. Võ sư Nam Anh từng qua Hồng Kông học Vịnh Xuân Quyền với người từng là thầy dạy võ cho cao thủ, minh tinh màn bạc Lý Tiểu Long. Sau năm 1975, võ sư Nam Anh sang định cư và dạy võ ở Canada, võ sư Pierre Flores là một trong những học trò “ruột” của võ sư Nam Anh.
Trước năm 1975, võ sư Phi Long có tỉ thí mấy trận đài tại võ đài Tinh Hoa ở Sài Gòn, mấy trận đài ấy đều có võ sư Nam Anh đến xem. Khi ấy, võ sư Nam Anh rất “cay cú” với thành tích của võ sư Phi Long, nhưng do kỷ luật quân đội không cho phép nên võ sư Nam Anh chưa có điều kiện thách đấu với võ sư Phi Long.
Võ sư Phi Long đánh thế võ Kê hầu viên. 
“Vả lại, tôi cao 1,81m, còn Nam Anh cao chỉ 1,7m nên ông ấy ngại sải tay dài của tôi có thể khống chế đòn đánh của ông. Sang định cư ở Canada, Nam Anh mở lò dạy võ, Pierre Flores là học trò ruột của ông. Thời gian gần đây Pierre Flores về Việt Nam đấu với 2 võ sư Đoàn Bảo Châu và Trần Lê Hoài Linh và toàn thắng cả 2 trận, sau đó tiếp tục thách đấu với võ sư chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt với lời lẽ khiếm nhã. Tôi thấy “ngứa nghề” và đã gởi đơn đến Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh Bình Định cùng Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thách đấu với võ sư Nam Anh. Nếu võ sư Nam Anh nhận lời, trận đấu của chúng tôi sẽ được diễn ra tại Liên hoan võ cổ truyền quốc tế lần thứ VII diễn ra tại Bình Định vào năm 2018 tới đây”, võ sư Phi Long cho hay.
Nghe chuyện của võ sư Phi Long, tôi không khỏi ái ngại sức khỏe của tuổi 74 liệu có “kham” nổi một trận võ đài “máu lửa” không. Võ sư Phi Long cười khà: “Võ sư Nam Anh hiện cũng đã 71 tuổi, chỉ kém tôi 3 tuổi. Trước khi gửi đơn thách đấu võ sư Nam Anh tôi đã đi kiểm tra sức khỏe, ổn cả. Thị lực của tôi tuy có giảm sút nhưng vẫn còn quan sát tốt. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định hứa là nếu võ sư Nam Anh nhận lời thách đấu, Sở sẽ tài trợ kinh phí để tôi luyện tập chuẩn bị cho trận đấu”.
Nhìn vẻ tự tin của võ sư Phi Long, tôi tin, nếu võ sư Nam Anh của Canada nhận lời thách đấu của võ sư Phi Long, những người yêu võ Việt Nam chắc chắn sẽ được thưởng lãm trận đấu đáng xem của 2 lão võ sư đại diện cho 2 trường phái võ khác nhau trong Liên hoan quốc tế võ cổ truyền lần thứ VII sắp tới.
Theo Vũ Đình Thung /Nông Nghiệp Việt Nam