Cách đây nhiều tháng, hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất (Hà Nội) với những vạt hoa giấy đủ màu khoe sắc, thỉnh thoảng lại điểm thêm những tấm biển cảnh báo màu trắng có diện tích cả gần m2 với dòng chữ đỏ nổi bật “Khu vực cấm đái bậy”. Đọc nội dung này, dù không nói ra nhưng nhiều người cảm thấy ngại ngùng, ngán ngẩm.
Tưởng chỉ dừng lại ở đó, nay lại có thêm nhiều tấm biển khác, diện tích lớn hơn tiếp tục được treo lên với dòng chữ to “Khu vực phức tạp về tệ nạn xã hội”, khiến mật độ biển cấm quanh công viên ngày thêm dày đặc.
Công viên là một thành phần không thể thiếu ở các thành phố lớn, những nơi văn minh. Ngoài các tiêu chuẩn kỹ thuật về diện tích, cây xanh, hồ nước… thì đây được coi là nơi để người dân thư giãn, đọc sách, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng…
Dù đã treo biển cấm nhưng nhiều người vẫn vô tư "xả thải". Biển cấm cộng thêm biển quảng cáo do người dân tự dán lên khiến mật độ càng dày đặc. (ảnh: Nguyễn Hà)
Nhưng, với những gì nhìn thấy quanh khu vực công viên Thống Nhất khiến nhiều người, nhất là những gia đình đem con nhỏ đến đây vui chơi phải… suy nghĩ. Nhiều phụ huynh không biết giải thích với con em như thế nào về nội dung những biển cấm ở công viên được treo nhan nhản.
Điều đáng nói là thực tế vẫn diễn ra đúng như những gì cảnh báo ở những tấm biển cấm, nhiều người vẫn không ngần ngại dừng xe để “xả thải” ngay trước mặt dòng người đi đường nườm nượp ngay bên cạnh. Ô tô, xem máy ngang nhiên đậu đỗ ngay sát rào công viên cũng không có ai nhắc nhở, quản lý.
Phải nói rằng, những hình ảnh xấu xí không hiếm bắt gặp ở quanh công viên Thống Nhất là do sự thiếu ý thức của nhiều người. Sống ngay giữa Thủ đô, được tiếp cận với nhiều thông tin văn hóa, văn minh, pháp luật nhưng nhiều người vô tư khạc nhổ, “xả thải”… ở nơi công cộng. Việc này một phần cũng do không bị nhắc nhở, cấm đoán hay xử phạt.
Hàng quán được bày bán ngay bờ rào công viên
Biển báo thật khó giải thích với con trẻ (ảnh: Nguyễn Hà)
Thực tế, chúng ra đã có nhiều quy định, thậm chí hành vi tiểu bậy nơi công cộng sẽ bị phạt tiền lên đến 3 triệu đồng (Nghị định 5/2016/NĐ-CP) nhưng kể từ khi ra đời đến nay, Nghị định vẫn chưa đi vào cuộc sống, hoặc số người được xử lý theo Nghị định chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đây cũng là tình trạng chung của trong việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi, mặc dù chúng ta có cả một hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn thiện. Vì thế, dẫn đến tình trạng “nhờn” luật của không ít người.
Vậy thì, việc treo những biển cấm có nội dung “đỏ mặt” như vậy liệu có tác dụng? Trách nhiệm giữ gìn trật tự, bảo vệ những khu vực như thế này thuộc về chính quyền phường/xã quản lý địa bàn hay công ty vận hành, quản lý công viên? Ở những nơi sinh hoạt thể thao, văn hóa của cộng đồng, việc treo những biển cấm với nội dung như vậy liệu có phù hợp?
Thiết nghĩ, ngay giữa Thủ đô, nhất lại là nơi sinh hoạt của cộng đồng, ngoài ý thức của người dân, rất cần có sự quản lý sát sao của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng chứ không thể "nói suông" và rồi chỉ khơi khơi treo biển lấy lệ như vậy!?./.
Theo An An/VOV