Vào ngày 30 Tết hàng năm, bên cạnh rửa xe sạch sẽ thì nhiều chủ xe cũng chủ động đi đổ xăng ô tô, xe máy vì lo ngại ngày Tết cây xăng nghỉ, hết xăng thì không biết đổ ở đâu. Tuy nhiên theo khảo sát của PV, tại trạm xăng dầu PVOil (194 Thái Thịnh, Hà Nội), nhân viên tại đây cho hay khách hàng không cần lo lắng điều này vì kể cả đêm 30 Tết hay trong Tết, cây xăng vẫn làm việc bình thường như mọi ngày, không có chuyện nghỉ Tết.
|
Nhiều cây xăng lớn vẫn hoạt động xuyên Tết, phục vụ khách hàng 24/7 - Ảnh minh họa |
Giống với tram xăng dầu PVOil Thái Thịnh, nhân viên cây xăng Petrolimex (111 đường Láng, Hà Nội) cũng cho hay không có chuyện cây xăng nghỉ Tết mà sẽ trực xuyên Tết để phục vụ khách hàng 24/7.
Bên cạnh đó, theo khảo sát tại một số tỉnh thành phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình, các cây xăng lớn vẫn đều hoạt động 24/7 để phục vụ khách hàng, giống như cây xăng tại Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số cây xăng nhỏ lẻ sẽ ngừng hoạt động từ đêm 30 Tết đến khoảng hết mồng 1 hoặc mồng 2 Tết.
Một nhân viên cây xăng Côn Sơn (số 6 Nguyễn Trãi, Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương) cho biết dù ở tỉnh nhưng nằm trên Quốc lộ 18 nên cây xăng vẫn sẽ hoạt động xuyên Tết, phục vụ khách hàng 24/7. Tuy nhiên, từ sáng 30 Tết, đã có rất nhiều khách hàng tới đây đổ xăng cả ô tô lẫn xe máy và hầu hết đều yêu cầu đổ đầy bình để đi Tết vì lo ngại đổ xăng đầu năm, phải xuất tiền sẽ giông cả năm.
Cùng tâm lý trên, anh Lê Đăng Doanh (Vũ Tông Phan, Hà Nội) cho hay cũng vừa đổ đầy bình xăng toàn bộ xe của nhà, từ xe máy đến ô tô vì không muốn phải đi đổ xăng dịp đầu năm, xuất một khoản tiền lớn. Bên cạnh đó đối với ô tô, anh Doanh cũng cho hay do đây là phương tiện di chuyển chính dịp Tết, về quê nội ngoại nên đổ xăng ở Hà Nội vẫn yên tâm hơn về chất lượng so với các cây xăng ở tỉnh.
Đổ đầy bình xăng chạy xe Tết, quan niệm sai lầm
Chủ xe nên đổ xăng theo mức khuyến cáo nhà sản xuất công bố - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, chủ xe có thực sự cần thiết nên đổ xăng đầy bình vào trước Tết hay không? Đầu tiên, việc đổ xăng đầy bình sẽ làm tăng trọng lượng của xe, từ đó có thể dẫn tới tốn nhiên liệu hơn. Ngoài ra, theo các chuyên gia, bình xăng cần phải có một khoảng trống nhất định cho việc xăng giãn nở (vì nhiệt lớn) cùng hơi xăng, hơi ga dư thừa, đảm bảo an toàn cho xe và người điều khiển, tránh các trường hợp như rò rỉ xăng, cháy nổ. Bên cạnh đó, nếu được bơm xăng đầy dẫn đến có thể tràn ra và ảnh hưởng rõ rệt đến chiếc xe. Việc chiếc xe chứa quá nhiều xăng có thể gây ra vấn đề với động cơ. Thế nhưng cũng không nên đổ xăng quá ít vì cũng có thể ảnh hưởng đến xe.
Bên cạnh đó, một nhân viên kỹ thuật về xăng dầu cũng cho biết, trường hợp khách hàng không đổ theo một số tiền nhất định mà đổ xăng đầy bình thì vẫn có khả năng sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với số xăng thực được đổ bởi với cơ chế “cò” bơm tự động, khi đổ xăng tới thời điểm xăng đầy lên và chạm tới mép của vòi bơm, tức ngưỡng an toàn để tránh cho xăng bị trào ra ngoài, thì cột bơm sẽ tự động điều khiển cò ngắt. Khi xăng đã tới ngưỡng này, nếu cố bơm thêm cho đầy bình xăng thì lúc đó, trước khi rút vòi bơm ra, xăng sẽ bị hút lại một lượng nhất định chảy ngược vào trong bể chứa.
Các nhà sản xuất thường đưa ra dung tích bình xăng và đây cũng được coi như mức khuyến cáo an toàn khi đổ xăng. Do đó, chủ xe không nên đổ xăng đầy bình, vượt quá khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra nếu không biết nhà sản xuất khuyến cáo bao nhiêu xăng là an toàn, theo một số tài xế có kinh nghiệm, khi bình xăng còn khoảng 1/4 thì nên bơm thêm nhiên liệu, và chỉ nên đổ khoảng 3/4 bình là mức hợp lý và đảm bảo an toàn.
Theo Báo Giao thông