Một cảng, bến hai đơn vị trung ương và địa phương cùng quản lý, thu phí
Một tình trạng “dở khóc, dở cười” với các chủ phương tiện thủy khi vào một số cảng, bến tại Quảng Ninh đó là khi phải làm thủ tục vào cảng và rời cảng, họ không biết chấp hành quy định nào, đơn vị nào? Do hiện nay một số cảng bến đang có tình trạng hai đơn vị là Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực I thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) và Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh (thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh) song song quản lý, dẫn đến tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho chủ cảng, bến, chủ phương tiện và thuyền viên trong quá trình xuất, nhập cảng, bến trên.
|
Đang có tình trạng, một cảng bến, hai đơn vị cùng quản lý, thu phí chồng chéo tại Quảng Ninh.
|
Trước tình trạng trên, PV Kiến Thức đã đi thực tế tại một số cảng, bến có sự quản lý chồng chéo trên. Một số thuyền trưởng đã phản ánh tình trạng, khi vào cảng bến làm thủ tục vào rời cảng họ vừa phải làm việc với cán bộ của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, sau đó lại bị một số cảng vụ viên của Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh xuống tàu yêu cầu thuyền trưởng phải làm thủ tục vào, rời cảng theo quy định mới. Vì thế dẫn đến việc các thuyền trưởng không biết chấp hành quy định của đơn vị nào.
Khi PV có mặt tại bến xăng dầu Cẩm Đông (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) vào chiều ngày 1/12/2015, một số chủ tàu thuyền làm thủ tục tại bến xăng dầu Cẩm Đông phản ánh, thời gian gần đây, mọi hoạt động trong quá trình làm thủ tục tại bến này gặp nhiều khó khăn do có 2 đơn vị cùng quản lý.
“Hiện tại chúng tôi bị hai cơ quan nhà nước là Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh và Cảng vụ nội địa khu vực 1, quản lý nhà nước. Giờ chúng tôi không biết nghe sự chỉ đạo của ai. Lúc chúng tôi gặp cán bộ của Cảng vụ nội địa khu vực 1, các đồng chí đưa ra một tiêu chuẩn quản lý của Bộ GTVT, chúng tôi chấp hành và đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp các cán bộ của Cảng vụ nội địa Quảng Ninh thì tiêu chuẩn quản lý lại một khác, chúng tôi lại không đủ điều kiện. Tàu bè vào cảng, xuất cảng lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Không chỉ lo về tiền phí mà còn nhiều thứ vô lý khác mà chúng tôi không biết kêu ai”, một chủ tàu hoạt động trong bến xăng dầu Cẩm Đông cho biết.
|
Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh (thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh) ra văn bản báo cáo tình trạng quản lý chồng chéo tại cảng, bến khu vực Cẩm Đông, Cẩm Phả, Quảng Ninh.
|
|
Trong khi đó, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực 1 (Thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam) cũng ra văn bản báo cáo về thực trạng trên.
|
Tại Bến đường thủy nội địa Con Quy (tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), đại diện bến, ông T. khi trao đổi với PV cũng bày tỏ bức xúc khi có tới hai lực lượng chức năng cùng làm một nhiệm vụ như nhau trên bến Con Quy.
Trao đổi với PV, ông Mạc Văn Sáu, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh tại Cẩm Phả, cho biết: “Chúng tôi là cán bộ nhà nước nên buộc làm theo lệnh của cấp trên. Đúng là hai cơ quan quản lý nhà nước đang quản lý song song tại một số cảng, bến ở TP. Cẩm Phả như bến xăng dầu Cẩm Đông thuộc phường Cẩm Đông và bến Đức Ngọc. Bây giờ, ngay cả việc thu phí là đơn vị nào đến trước thì thu phí trước. Anh em ở cơ quan tôi làm theo sự chỉ đạo từ Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh. Còn phía đại diện Cảng vụ nội địa khu vực 1 làm việc theo sự chỉ đạo của Cục Đường thủy nội phịa Việt Nam. Không chấp hành công việc không được mà chấp hành công việc thì chúng tôi không hiểu tại sao lại có sự chồng chéo khó hiểu này?”.
Ông Đặng Quang Huy, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa KV1 Quảng Ninh, trực thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 1 bức xúc khi nói về vấn đề quản lý cảng, bến chồng chéo như hiện nay.
“Hiện tại, chúng tôi đang làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình và chúng tôi không hiểu tại sao lại có việc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh lại chen vào công việc của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 1 như vậy. Năm 2014, Bộ GTVT ra quyết định 2861/QĐ-BGTVT về việc bàn giao cho UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện công tác quản lý nhà nước 30 cảng, bến thủy nội địa dùng xuất than thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Số lượng 30 cảng, bến đó chúng tôi đã bàn giao xong công tác quản lý nhà nước. Còn lại 37 cảng, bến thủy nội địa nằm trên tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia, Cảng vụ đường thủy nội đại khu vực 1 vẫn làm công tác quản lý nhà nước bình thường theo đúng luật giao thông đường thủy nội địa”, ông Đặng Văn Huy nêu những bất cập.
Nguyên nhân từ văn bản “trái thẩm quyền” của Sở GTVT Quảng Ninh?
Trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng quản lý chồng chéo trong quản lý nhà nước tại các cảng, bến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh?”, PV Kiến Thức được biết, tất cả những sự việc “hài hước” trong quản lý nhà nước nhưng là “thảm kịch” của các chủ phương tiện, doanh nghiệp, đang diễn ra tại một số cảng, bến trên đều xuất phát từ quyết định số 4230/QĐ-SGTVT của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh về việc giao thực hiện quản lý nhà nước 37 cảng, bến thủy nội địa thuộc tuyến đường thủy nội địa được quy định là tuyến đường thủy nội địa Quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định này, 37 cảng, bến trên đang do Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) quản lý.
Cụ thể, theo quyết định số 4230/QĐ-SGTVT ngày 23/10/2015 của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh do ông Mạc Quang Giểng, Phó Giám đốc Sở ký với nội dung: “ Giao Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh Quảng Ninh (trực thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh - PV) triển khai thực hiện quản lý Nhà nước tại 37 cảng, bến TNĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh’. Quyết định nêu rõ, Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh có trách nhiệm tổ chức lực lượng cảng vụ tại các cảng, bến và triển khi quản lý, cấp phép cho các phương tiện hoạt động theo quy định tại Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT và Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh triển khai thực hiện quyết định.
|
Quyết định số 4230/QĐ-SGTVT ngày 23/10/2015 của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh do ông Mạc Quang Giểng, Phó Giám đốc Sở ký với nội dung : “ Giao Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh Quảng Ninh (trực thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh - PV) triển khai thực hiện quản lý Nhà nước tại 37 cảng, bến TNĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". |
Trong khi đó, theo các căn cứ pháp luật, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh không có cơ sở để quản lý nhà nước tại 37 cảng, bến này. Cụ thể, theo Quyết định 970/QĐ-BGTVT ban hành ngày 15/4/2009 quy định về các tuyến đường thủy nội địa Quốc gia và Thông tư 25 của Bộ GTVT ra ngày 31/8/2010 dựa trên QĐ 970, có quy định về vấn đề cấp phép hoạt động và quản lý các cảng, bến trên tất cả các tuyến đường thủy nội địa quốc gia và địa phương. Điều 7, thông tư 25 quy định: “ Các cảng, bến thuộc tuyến đường thủy nội địa Quốc gia là do Cục đường thủy nội địa VN cấp phép và quản lý nhà nước; cảng, bến thuộc tuyến đường thủy nội địa địa phương sẽ do Sở GTVT cấp phép và quản lý nhà nước. Năm 2014, Bộ GTVT lại ra thông tư 50, dựa trên cơ sở QĐ 970 và bổ sung thông tư 25 của Bộ. Theo đó, tất cả các cảng, bến thuộc các tuyến đường thủy nội địa sẽ do Sở GTVT cấp phép hoạt động và cấp phép lại (mỗi lần cấp phép từ 1-5 năm). Sau khi Sở cấp phép xong, gửi lại hồ sơ những cảng, bến thuộc tuyến đường thủy nội địa Quốc gia cho Cục Đường thủy nội địa quản lý về mặt nhà nước. Ngay trong công văn 671 ngày 17/4/2015 của Cục Đường thủy nội địa VN hướng dẫn triển khai thực hiện thông tư 50 cũng nêu rõ “Các Sở GTVT sau khi cấp phép, cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa phải gửi cho các Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ VN 1 bản để quản lý về công tác cảng vụ…”.
Trên thực tế, căn cứ theo quyết định 970, và thông tư 25 cũng như thông tư 50 của Bộ GTVT, Quảng Ninh có 30 cảng, bến thuộc tuyến luồng địa phương và 37 cảng, bến thuộc tuyến luồng quốc gia. Sở GTVT có quyền cấp phép nhưng không được quyền quản lý nhà nước tại 37 cảng bến trên. Bởi các cảng, bến trên nằm trên tuyến ĐTNĐ Quốc gia nằm trong danh mục cảng, bến mà Cảng vụ I đang quản lý từ nhiều năm nay, thẩm quyền giao cho địa phương quản lý thuộc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Việc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh “bỗng dưng” giao Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh thực hiện quản lý nhà nước 37 cảng, bến nằm trong 50 cảng, bến thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I và ngay khi ban hành quyết định, công tác quản lý và thực hiện thu phí đã được Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh tiến hành đang khiến các chủ phương tiện, chủ bến phản ứng vì những bất cập như đã đề cập ở trên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp phép quản lý và thu phí của phương tiện thủy tại các cảng bến trên tuyến đường thủy nội địa Quốc gia của Sở GTVT Quảng Ninh khi tự ý giao Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh quản lý nhà nước đã vi phạm nghiêm trọng quy định về tài chính, tự ý chuyển nguồn thu ngân sách của Trung ương về địa phương trái quy định của pháp luật.
Để làm rõ những vấn đề trên, chiều ngày 2/12, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với PV, ông Khánh khi nghe xong những câu hỏi từ PV phản ánh những bất cập trên đã không trực tiếp trả lời mà yêu cầu PV ghi lại câu hỏi và sẽ trả lời sau.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan đến vụ việc trên…
Hải Ninh