Có đến tận nơi, chứng kiến bữa cơm đạm bạc, nơi ở mà không thể gọi là nhà của những phận người tại xóm Phao thuộc bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), chúng tôi mới hiểu, mong ước có được cái Tết thiếu nhi 1/6 đối với các em nhỏ ở đây khó thành hiện thực.
Khi nghe con mình nói về cái Tết thiếu nhi 1/6 ở trong mơ, những người mẹ chỉ biết lau nước mắt, có lẽ vì gánh nặng mưu sinh khiến họ không thể cho con mình có được một Tết Thiếu nhi đúng nghĩa.
Những đứa trẻ sinh ra tại xóm Phao này hầu hết không có cơ hội được ăn học đàng hoàng. Có thể, cơm áo gạo tiền đeo bám từ khi còn nằm trong bụng mẹ nên khi lớn lên chúng cũng “mê” kiếm tiền hơn là “mê” cái chữ. Chị Mai ngậm ngùi: “Bố mẹ không có tiền cho con đi học trường bình thường nên đành chấp nhận để con học lớp tình thương. Vì thế, cơ hội để chúng thoát kiếp trôi nổi giống bố mẹ là không nhiều, nên đành phải lênh đênh trên sông nước và không biết tương lai mai sau ra sao”.
Đó là nỗi lòng của những người làm cha mẹ ở bãi giữa sông Hồng, họ đã không thể cho con được hưởng trọn ngày Tết Thiếu nhi. Thế nhưng, những đứa trẻ ở đây dù thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn luôn giữ được sự hồn nhiên, vui tươi.
|
Những "ngôi nhà" nơi bãi giữa sông Hồng vắng bóng trong ngày gần Tết thiếu nhi 1/6. |
Trong căn nhà lênh đênh trên sông, Nguyễn Thị Linh (học sinh lớp 3) chia sẻ: “Cháu học lớp 3 của một lớp học tình thương gần đây. Hàng ngày bố mẹ cháu đi nhặt sắt vụn quanh đây để kiếm tiền nuôi ba chị em cháu. Sinh nhật cháu còn không được tổ chức nên cháu không biết đến ngày Tết Thiếu nhi là gì? Cháu chỉ mong được đến trường, được có cơm ăn no và hàng ngày bố mẹ đi làm về sớm thôi”.
Cứ thế, từ khi sinh ra và lớn lên những đứa trẻ trên xóm Phao ít khi được bố mẹ đưa ra khỏi nhà nổi ven sông Hồng. Có chăng cũng chỉ đi theo con đường “độc đạo” đến lớp tình thương rồi lại trở về căn nhà do chính tay bố mẹ chúng “thiết kế”.
|
Ánh mắt đượm buồn của các em nhỏ khi gần đến ngày Tết thiếu nhi. |
Bé gái nhỏ nhắn Phạm Thị Nguyệt mới học lớp 5 nhưng đã biết làm đủ thứ việc giúp đỡ bố mẹ thì thầm với chúng tôi: “Hôm nào được nghỉ học cháu ở nhà trông 2 em cho bố mẹ đi làm. Sống trên này chúng cháu cũng quen rồi, thi thoảng thấy hơi tủi thân vì thấy các bạn nhỏ khác được bố mẹ cho đi công viên, sở thú. Chúng cháu ăn còn không đủ no thì nào dám nghĩ đến điều xa xôi.
Tết Thiếu nhi được nhận quà từ bố mẹ với chúng cháu chỉ có trong tưởng tượng. Có năm ngoái chúng cháu được các anh chị sinh viên tình nguyện tổ chức cho. Năm nay chúng cháu cũng mong lắm. Chỉ cần lại được nghe các anh chị hát và chúng cháu cũng hát cho anh chị nghe là vui lắm rồi”.
Bé Nguyễn Văn Lý (học sinh lớp 4) sự ngậm ngùi nói: “Bố mẹ đi làm vất vả lắm, nên chúng cháu cũng không dám đòi hỏi. Dù thấy các bạn nhận quà thì cũng tủi thân, buồn nhưng chúng cháu lớn rồi nên ngày lễ này không quan trọng lắm, cháu chỉ thương bố mẹ vất vả mà thôi. Các em nhỏ còn không đòi hỏi cơ mà”.
Câu nói của bé Lý khiến chúng tôi nghẹn lòng. Các em ai cũng biết thương bố mẹ và không mong chờ được nhận quà trong những ngày này. Chúng chỉ mong bố mẹ kiếm được đủ tiền để có cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Như vậy là đủ ấm áp và có trọn niềm vui trong ngày Tết Thiếu nhi 1/6 của những đứa trẻ xóm Phao tại bãi giữa sông Hồng.
Theo Mai Thu-Thanh Lam/Người đưa tin