Ngày 28/4, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình vừa có quyết định điều động, bổ nhiệm thượng tá Cao Giang Nam, Phó trưởng Công an TP Thái Bình đến nhận công tác tại Phòng Tham mưu (PV01) Công an tỉnh Thái Bình và giữ chức Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc điều chuyển cán bộ, công chức là chuyện bình thường.
“Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân, việc điều động cán bộ, chiến sĩ sẽ áp dụng theo quy định của Luật công an nhân dân.
Phó trưởng Công an TP Thái Bình Cao Giang Nam là thượng tá do đó việc điều động ông này sẽ áp dụng theo quy định của Luật công an nhân dân” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, điều động cán bộ, chiến sĩ là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chuyển cán bộ, chiến sĩ từ đơn vị, địa phương này đến làm việc ở đơn vị, địa phương khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
|
Thượng tá Cao Giang Nam. |
Điều 28 Luật công an nhân dân quy định về Điều động sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân như sau: Người có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ nào thì có quyền điều động người giữ chức vụ đó. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục tùng sự điều động của cấp có thẩm quyền.
Việc điều động cán bộ, chiến sĩ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu đội ngũ cán bộ, biên chế từng lực lượng, từng đơn vị, giải pháp; căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức, năng lực và sở trường của cán bộ đồng thời đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác của các đơn vị, địa phương.
Luật sư Cường cũng cho rằng, việc điều động cán bộ, chiến sĩ có thể có nhiều mục đích và dù vị trí công tác như thế nào, địa điểm công tác ở đâu thì việc điều động nhưng việc điều động cũng phải đáp ứng được các yêu cầu như tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Điều tiết, đảm bảo ổn định, tăng cường hiệu lực quản lý biên chế; Góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động thực tế của đội ngũ cán bộ; Phòng ngừa sai phạm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thực hiện chính sách cán bộ.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đối với việc, thượng tá Cao Giang Nam - Phó trưởng Công an TP Thái Bình được điều động đến nhận công tác tại Phòng tham mưu (PV01) Công an tỉnh Thái Bình và giữ chức Phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh, luật sư Cường cho rằng, chức năng nhiệm vụ của phòng tham mưu trong CAND là nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo chỉ huy các cấp trong Công an ban hành các chủ trương, giải pháp về lĩnh vực công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tham mưu, giải quyết ổn định các vấn đề mới, phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự ở từng thời điểm, lĩnh vực.
Cùng với đó, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ do Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, giải đáp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự…
Bởi vậy, nếu với nhiệm vụ mới này có lẽ công việc sẽ bớt áp lực hơn, bớt va chạm hơn.... có thể sẽ là phù hợp với năng lực, trình độ, sở trường và phù hợp với công tác cán bộ.
Việc điều động công tác của công an tỉnh Thái Bình có thể là do nhu cầu, yêu cầu của công tác, cơ cấu của đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của luật sư Cường, nếu vụ án Đường Nhuệ đánh người tại trụ sở công an phường Trần Lãm, bà Đinh Thị Lý tố cáo ông Cao Giang Nam còn để Cơ quan điều tra công an thành phố Thái Bình điều tra mà ông Nam (người đang bị bà Lý tố cáo...) lại vẫn giữ cương vị lãnh đạo ở đây là không đảm bảo yếu tố khách quan.
|
Bà Đinh Thị Lý. |
Do đó, có thể chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra công an tỉnh Thái Bình giải quyết cùng các vụ án đang giải quyết với nhóm bị cáo Đường Dương hoặc cũng có thể chuyển công tác với ông Nam để tránh có những nghi ngờ của phía bị hại và dư luận về việc có thể có sự khó khăn cho hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
“Thực tế thời gian gần đây cho thấy có một số cán bộ vi phạm bị điều chuyển công tác, sau đó cơ quan chức năng phát hiện, làm rõ sai phạm trong thời gian công tác trước đây và đã có những biện pháp xử lý, trong đó có cả xử lý hình sự.
Bởi vậy, việc điều chuyển công tác với cán bộ là chuyện bình thường để việc sử dụng cán bộ đạt hiệu quả tốt hơn. Khi chuyển công tác cán bộ sang vị trí công tác mới cũng dễ phát hiện những sai phạm trong thời gian công tác trước đây (nếu có) để xem xét xử lý theo quy định pháp luật”, - luật sư Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Bắt giam 4 cán bộ ở Thái Bình 'giúp sức' cho vợ chồng Đường Nhuệ:
Tâm Đức