|
Ông Đinh La Thăng - bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm ngày 29.3.2018. Ảnh: TTXVN. |
Theo dự kiến, ngày mai (14.12), TAND TP.Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và 19 đồng phạm gây thiệt hại hơn hơn 725 tỉ đồng, xảy ra tại dự án cao tốc Trung Lương - TPHCM.
Sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra khi đương chức Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) giai đoạn từ tháng 8.2011 - 2.2016.
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách nhà nước hơn 9.800 tỉ đồng để triển khai, nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.
Với vai trò bộ trưởng, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương tại Bộ GTVT, ông Thăng đã ký văn bản đề nghị tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.
Cáo trạng xác định, ông Thăng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn. Tuy nhiên, ông Thăng đã làm trái với quy định của Nhà nước.
Đến cuối tháng 12.2013, Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ thành lập được công bố trúng thầu mua quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương 5 năm (từ 1.1.2014 - 1.1.2019) với giá hơn 2.004 tỉ đồng.
Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, Hệ có nhiều hành vi cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng của nhà nước.
Vụ án thứ hai ông Đinh La Thăng sắp bị đưa ra xét xử liên quan đến sai phạm khi ông này giữ chức Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN.
Ở vụ án này, ông Đinh La Thăng bị cáo buộc chỉ đạo cho nhà thầu của Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC) không có năng lực thực hiện dự án dự án Ethanol Phú Thọ, dẫn đến thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.
Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 10 bị can khác bị cáo buộc các tội danh "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu, với vai trò Chủ tịch HĐQT PVN, bị can Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của bị can Trịnh Xuân Thanh.
Cáo trạng xác định dự án Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.
Trước hai vụ án trên, tháng 6.2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án 18 năm tù đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT PVN). Sai phạm của ông Thăng được xác định trong vụ án PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Oceanbank. Ông này còn bị buộc phải bồi thường 600 tỉ đồng.
Ông Thăng bị cáo buộc ký kết thỏa thuận để PVN góp vốn vào Ocean Bank trái thẩm quyền, không đúng chức năng. Thỏa thuận này là tiền đề để ra các Nghị quyết góp vốn sau này. Hậu quả, PVN đã bị thất thoát số tiền lớn.
18 năm tù trên được tòa tổng hợp với 13 năm của bản án phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên với ông Thăng hồi giữa tháng 5.2018 về “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVN và PVC. Theo đó, ông này phải chấp hành 30 năm tù (mức án có thời hạn cao nhất) cho cả hai bản án.
Theo bản án phúc thẩm ngày 14.5.2018, bị cáo Thăng chỉ căn cứ vào báo cáo của PVC và PVPower để phê duyệt cho PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thực tế, PVC chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành dự án lớn này. Việc chỉ định này trái với chỉ đạo của Chính phủ. Bị cáo Thăng cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Việt Dũng/Lao Động