Đại án OceanBank có thể được xem là vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với việc tòa án phải triệu tập hơn 700 đương sự bao gồm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự, người làm chứng… Đặc biệt, trong đó có một loạt các doanh nhân “khủng” là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc OceanBank và nhiều tập đoàn kinh tế lớn như PVN, BSR.
Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là thuộc cấp tại ngân hàng có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Đại dương (OceanBank) giữ vai trò chính.
|
Hà Văn Thắm khi còn đương chức. Nguồn ảnh: Vietnamnet |
Hà Văn Thắm
Hà Văn Thắm sinh ngày 11/12/1972 tại xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam; thường trú tại Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
Con đường thăng tiến của Hà Văn Thắm có thể nói là “thần kỳ” – từ năm 1993 - 1997 Thắm là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Tiếp đó, từ năm 1997 – 2001, Thắm giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty TNHH VNT. Sau đó, từ 2001 - 2003 là Giám đốc Công ty Liên doanh. Từ năm 2003 đến năm 2004 ông Hà Văn Thắm là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải hưng. Từ năm 2004 đến năm 2007 giữ cương vị là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải hưng. Kể từ năm 2007 đến trước thời điểm bị bắt, Hà Văn Thắm đã khẳng định vị thế của mình khi trở thành một doanh nhân “tài ba” với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Dương.
Cho tới tháng 1/2014, Thắm giữ vai trò là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH), Chủ tịch CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS).
|
Bị cáo Hà Văn Thắm bị truy tố 4 tội danh và đối mặt với khung hình phạt cao nhất. Nguồn ảnh: Zing |
Chiều ngày 24/10/2014, Ngân hàng Nhà nước thông báo, là đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, nên đã đình chỉ quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên HĐQT ngân hàng này với ông Thắm. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Hà Văn Thắm, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng với ông Thắm để điều tra về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Điều 179 Bộ luật hình sự.
Hà Văn Thắm bị truy tố 4 tội danh gồm: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản. Với 4 tội danh rất nặng này, Hà Văn Thắm đang phải đối diện với mức án cao nhất.
Dù vậy, trong quá trình điều tra, Hà Văn Thắm được Bộ Công an ghi nhận là có ý thức hợp tác để làm rõ sự thật vụ án. Trong bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra, Bộ Công an cũng đề nghị xem xét áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật về trách nhiệm của Hà Văn Thắm khi truy tố, xét xử.
Nguyễn Xuân Sơn
Nguyễn Xuân Sơn (sinh 1962, tại Hà Tĩnh), nguyên là Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng OceanBank và nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).
Từ năm 2003 đến tháng 10/ 2006, Sơn làm Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), sau đó là Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5 năm 2007.
Từ tháng 12 năm 2008 đến tháng 11/2010, Sơn được bổ nhiệm và nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc OceanBank. Năm 2011, Sơn thôi chức Tổng giám đốc OceanBank.
Ngày 8 tháng 7 năm 2014, Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam.
|
Nguyễn Xuân Sơn. Nguồn ảnh: ANTT |
Ngày 19/7/2015, theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đối với ông Sơn.
Ngày 21/7/2015, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Nguyễn Xuân Sơn khu đô thị Ciputra, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã bắt tạm giam để điều tra ông Nguyễn Xuân Sơn. Quyết định bắt tạm giam ông Sơn do Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng"; "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong cả hai phiên xử sơ thẩm đại án OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn được đánh giá là “ngoan cố, quanh co” gây khó cho quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt, trong phiên xử sơ thẩm thứ 2 từ ngày 28/8, Nguyễn Xuân Sơn liên tục khai thêm nhiều tình tiết mà trước đó bị cáo Sơn không khai nhận.
Nguyễn Thị Minh Thu
Không chỉ có các bị cáo nam, phiên tòa xét xử đại án OceanBank còn có không ít bị cáo nữ. Gây chú ý nhất trong số đó là Nguyễn Minh Thu (SN 1973, trú tại Ba Đình, Hà Nội) - nguyên Phó Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Oceanbank.
Nguyễn Minh Thu đã bị bắt với cáo buộc cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Nguyễn Thị Minh Thu thời là Tổng Giám đốc OceanBank. |
Cụ thể, từ năm 2010 các bị can Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) đã bàn bạc, thống nhất đưa ra chủ trương chi lãi suất huy động vốn ngoài hợp đồng cho các khách hàng trên toàn bộ hệ thống của Oceanbank.
Từ chỉ đạo của Thắm và Sơn, các bị can Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy (SN 1977,trú ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975, ở Đống Đa, Hà Nội, nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank) đã chỉ đạo các khối ban nghiệp vụ thuộc Hội sở Oceanbank thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 1.600 tỷ đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 27/2, bà Nguyễn Minh Thu đã không kìm được cảm xúc, bật khóc trước vành móng ngựa.
Ninh Văn Quỳnh
Ông Ninh Văn Quỳnh sinh năm 1958, tại Nam Định, giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Con đường quan lộ của Quỳnh “thênh thang” - năm 1980, ông Quỳnh bắt đầu làm việc ở vị trí cán bộ kế toán Đoàn Dầu khí Cửu Long. Làm ở đây 2 năm, đến năm 1982 ông là cán bộ Phòng Kế toán, Công ty Địa Vật lý.
Từ năm 1994 đến năm 2000, ông Quỳnh là Trưởng phòng Kiểm toán, Công ty Giám sát và Phân chia Sản phầm Dầu khí. Từ năm 2000 – 2005, ông Ninh Văn Quỳnh làm Phó Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Giai đoạn 2005 – 2008 ông Quỳnh là Phó Trưởng ban Tài chính - Kiểm toán, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Từ năm 2008 – 2014 ông Ninh Văn Quỳnh giữ chức Kế toán trưởng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
|
Ninh Văn Quỳnh. |
Ngày 3/3/2014, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí đã bổ nhiệm ông Ninh Văn Quỳnh giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn. Ông Quỳnh giữ chức vụ này cho đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 1/9.
Khi ông Quỳnh giữ chức Kế toán trưởng PVN từ 2008, thì đó cũng là thời điểm ông Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc OceanBank (từ 1/12/2008 đến 27/12/2010).
Tháng 3/2017 tại phiên xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), ông Ninh Văn Quỳnh đã bị tòa gọi lên để thẩm vấn.
Ngày 31/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố đối với một loạt sếp dầu khí, trong đó có ông Ninh Văn Quỳnh (Phó Tổng Giám đốc PVN) và một số nguyên cán bộ Tập đoàn về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến
Ngoài các lãnh đạo “sừng sỏ” của OceanBank, còn có không ít các “sếp lớn” của các tập đoàn kinh tế cũng . Điển hình là ông Nguyễn Hữu Tuyến – nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro (từ tháng 3/2009 đến khi nghỉ hưu 1/7/2013) và ông Từ Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Vietsovpetro từ năm 2013 tới nay.
Theo đó, trong phiên xử OceanBank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, nhiều lần vào Vũng Tàu đưa tiền cho ông Võ Quang Huy - Kế toán trưởng Vietsovpetro và ông Nguyễn Hữu Tuyến - Tổng giám đốc Vietsovpetro, mỗi lần khoảng 10.000 đến 20.000 USD hoặc 200 đến 300 triệu đồng.
|
Ông Nguyễn Hữu Tuyến khi còn đương chức. |
Bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) cũng khẳng định, nhiều lần chuyển tiền cho công ty Vietsovpetro, mỗi lần đưa tiền đều nhờ Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu liên hệ trước.
“Bị cáo đưa tiền theo theo thỏa thuận của kế toán trưởng Vietsovpetro. Tỷ lệ đưa kế toán 70%, giám đốc 30% là do anh Huy (Kế toán trưởng Vietsovpetro) nói ra, bị cáo nghe theo… Bị cáo có 2 đến 3 lần gặp ông Từ Thành Nghĩa (Tổng Giám đốc từ 2013 đến nay) để cám ơn. Tổng cộng bị cáo chi hơn 22,7 tỷ cho họ, trong đó 15 đến 16 tỷ cho kế toán trưởng, còn lại cho TGĐ", bị cáo Thu khai trước tòa.
Tuy nhiên, khi được tòa hỏi về việc nhận tiền chi lãi ngoài hợp đồng sai quy định từ Ngân hàng OceanBank, các lãnh đạo Vietsovpetro đều khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào như các bị cáo đã khai.
Một “dây” sếp lớn BSR lên tòa
Ngày 11/9, phiên tòa xử đại án OceanBank triệu tập 4 "sếp" Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) gồm: Nguyễn Hoài Giang (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Đinh Văn Ngọc (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn); Vũ Mạnh Tùng (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn) và Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn) để làm rõ việc bị tố nhận lãi ngoài 19 tỷ từ ngân hàng Oceanbank.
Việc triệu tập này liên quan tới việc bị cáo Thu khai rằng, thời điểm bị cáo giữ chức vụ Tổng giám đốc OceanBank đã trực tiếp chi lãi ngoài chăm sóc cho ba khách hàng lớn là Tổng công ty dầu Việt Nam, Vietsovpetro, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn. Trong đó, khoảng gần 19 tỷ đồng được chi cho Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn.
“Bị cáo gửi khoản này cho Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng. Bị cáo đi cùng chị Phan Thị Tú Anh - nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Quảng Ngãi”, bị cáo Thu cho hay.
|
Ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn. Nguồn ảnh: Zing |
Theo lời khai của bị cáo Thu, bản thân bị cáo đã chi khoảng 7 -8 lần cho Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn - ông Nguyễn Hoài Giang từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. “Tổng giám đốc là anh Đinh Văn Ngọc, Phó tổng Giám đốc là anh Tùng nhận khoảng 500 triệu -1 tỷ đồng mỗi lần. Kế toán trưởng tên Quang từ 300 đến 500 triệu đồng. Số lần bị cáo gặp và làm việc với các anh không khác nhau nhiều lắm”, bị cáo Thu khai.
Dẫu vậy, khi đối chất tại tòa, tất cả 4 lãnh đạo cao cấp của BSR đồng loạt phủ nhận không nhận một đồng nào từ OceanBank. Thậm chí, ông Đinh Văn Ngọc (Cựu Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn) còn đòi "xem xét bà Thu về tội danh vu cáo theo Điều 22 Bộ luật hình sự".
Phượng Hồng (tổng hợp)