Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Thanh Hóa: Chủ tịch tỉnh ban hành công điện khẩn

Google News

(Kiến Thức) -Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại huyện Yên Định (Thanh Hóa). Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Nguyễn Đình Xứng vừa ký công điện khẩn số 02 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Ngày 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Nguyễn Đình Xứng vừa ký công điện khẩn số 02 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Công điện nêu rõ , theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 17/02/2019 đã có 105 ổ Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 03 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và hiện nay, vào ngày 24/2/2019 bệnh Dịch tả lợn đã xuất hiện tại hộ chăn nuôi ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định ( Thanh Hóa) và buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn 226 con (Kết quả dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi ASF được xác định tại Phiếu trả lời kết quả số 247/CĐXN-CĐ ngày 24/02/2019 của Chi cục Thú y vùng 3) làm cho nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng và thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn tỉnh ta là rất cao.
Dich ta lon chau Phi xuat hien o Thanh Hoa: Chu tich tinh ban hanh cong dien khan
 Ảnh minh họa.
Để phòng, chống, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có thể lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở và Thủ trưởng các ban, ngành tập trung cao độ, chỉ đạo đồng bộ, kiên quyết các biện pháp cấp bách để khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg và của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 06/9/2018 về việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Yên Định xem xét, quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Định Long, huyện Yên Định theo quy định tại Điều 26, Luật Thú y. Trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc lợn đã chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc suất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật và thành lập đoàn công tác, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.
Khẩn trương ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đúng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 21/02/2019; thực hiện hiệu quả công tác tiêu độc, khử trùng, quan tâm đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Dich ta lon chau Phi xuat hien o Thanh Hoa: Chu tich tinh ban hanh cong dien khan-Hinh-2
 Công điện của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, người chăn nuôi và cộng đồng nắm vững, nắm chắc, hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.
Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp huyện và lực lượng Thú y, công an, quản lý thị trường thực hiện đồng bộ, cấp bách các biện pháp ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh trái phép lợn, sản phẩm của lợn. Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ, tổng hợp kịp thời diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn để thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh;
Phối hợp với đơn vị liên quan để tham mưu thành lập các chốt kiểm dịch, trạm kiểm dịch hoặc đội kiểm tra lưu động động vật liên ngành tạm thời trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhằm kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh, nhất là các vùng có dịch.
Phối hợp với Sở Tài chính để lập, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện công tác ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Cùng với đó, yêu cầu Ban chỉ đạo 389, thành viên Ban chỉ đạo 389 các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và thực hiện đầy đủ, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn trái phép ra vào địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không từ các nước, các tỉnh đã và đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín vào địa bàn tỉnh; xử lý, tiêu hủy toàn bộ lợn, sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi, điều tra nắm chắc tình hình, danh sách các đối tượng hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối, bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đồng thời đề nghị Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và đề nghị Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội nghề nghiệp các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Hải Ninh