Hàng loạt đơn vị đề nghị giảm giá điện
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất.
|
Ảnh minh họa. |
Đánh giá của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu Covid-19 kéo dài thêm 6 tháng nữa, 60% doanh nghiệp giảm doanh thu 50%; gần 74% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nguy cơ phá sản.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp và một số địa phương đã kiến nghị giảm giá điện để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt để phần nào hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ từ 9h30 – 11h30. Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5/2020.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi do ảnh hưởng của Covid-19, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp cấp bách, trong đó, Bộ đề nghị áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.
Ngày 24/3/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 33/2020/CV-VASEP. Trong đó, VASEP đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.
Chiều 19/3, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, các doanh nghiệp tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở rộng cửa thông quan để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước và các chi phí dịch vụ cảng biển trong năm 2020.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm Võ Quốc Thắng, cũng gửi tới Chính phủ 10 kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có việc giảm giá điện. Theo tờ Zing, ông Thắng nói rằng, Chính phủ có thể hỗ trợ khẩn cấp chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân bằng hình thức giảm giá điện.
Theo đó, Chính phủ có thể giảm giá điện 50%, cho nợ 50% còn lại, áp dụng vào 3 tháng được cho là đỉnh điểm khó khăn của mùa dịch là tháng 4, 5 và 6. Ngoài ra, khoản nợ tiền 50% trong 3 tháng đỉnh điểm năm nay có thể chia đều và thanh toán vào năm 2021.
Liệu giá điện có giảm?
Tại Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương chiều 20/3, đại điện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, tình hình tiêu thụ điện hơn 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời khẳng định không có kế hoạch điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), tính đến hết ngày 19/3/2020, sản lượng điện tiêu thụ bình quân của cả nước chỉ đạt khoảng 623 triệu kWh/ngày, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm xây dựng là 690,7 triệu kWh/ngày.
Qua theo dõi tình hình tăng trưởng của các phụ tải điện tính đến giữa tháng 3/2020 cho thấy sản lượng điện sinh hoạt tăng cao nhất trong 5 phụ tải điện, trong khi đó sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ có sự suy giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm nay không điều chỉnh tăng giá điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Được biết, hiện Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đang xây dựng một số phương án hỗ trợ về giá điện trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Trả lời trên Zing, PGS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, giá điện của Việt Nam hiện nay vẫn do Nhà nước quản lý, không theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp quyết định. Vì vậy, nếu Nhà nước cần thấy quản lý thì có thể quyết giảm trong thẩm quyền.
"Nên xem xét cân nhắc giảm giá điện ở thời điểm này"
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi trao đổi với PV Kiến Thức cho rằng, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương nên xem xét cân nhắc giảm giá điện ở thời điểm này để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid 19.
Theo đại biểu Hòa, Covid 19 giờ đã là đại dịch, gây lo lắng cho sức khỏe tính mạng của người dân, gây thiệt hại đến nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Dịch bệnh không những ảnh hưởng về mặt tâm lý xã hội, khiến người dân hoang mang lo sợ khi đến nay chưa có thuốc khống chế.
“Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính phủ đã có ý kiến, ngân hàng nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, cho vay hạ lãi suất, thuế cũng giảm thuế và không thu thuế. Do vậy, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương cũng không nên ngoại lệ vấn đề này”, Đại biểu Hòa nói.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trước tình cảnh các cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, bị thua lỗ, ngưng hoạt động, hoạt động cầm chừng do dịch bệnh, EVN nên có chế độ chính sách miễn giảm tiền điện để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Nếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngừng hoạt động thì đương nhiên họ không tiêu thụ điện. Không tiêu thụ điện thì ngành điện lực cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tôi nghĩ ngành điện lực cũng đã suy nghĩ về vấn đề này. Chịu ảnh hưởng chung như vậy ngành điện cũng cần chung tay, chia sẻ cùng các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có lợi nhuận hoặc bị thua lỗ. Do vậy, cần nghiên cứu thật kỹ để thực hiện các chính sách, làm sao chung tay cả nước đồng lòng chống dịch, hạn chế thiệt hại”, Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Hòa cũng nói rằng, hiện trên thế giới đã có Malaysia tuyên bố giảm giá điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng nên nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tiễn mà có lợi nhất cho người dân, cho các doanh nghiệp và cho ngành điện.
>>> Mời độc giả xem video Biểu giá điện mới khuyến khích tiết kiệm điện
Tâm Đức