Hàng ngày xem những hình ảnh “nhường cơm, sẻ áo”, dành chỗ ăn nằm sạch sẽ, ấm áp của những người đang làm việc ở “tuyến đầu” chống đại dịch Covid-19 cho những người cách ly, bao gồm cả người nước ngoài, du học sinh, những người thuộc diện cách ly F1, F2; những câu chuyện về các y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế ngủ vạ vật nơi hành lang, phòng khám, các chiến sĩ công an, bộ đội ở lán, trại nơi rừng rú, những bữa ăn “qua quýt” ở giữa rừng vùng biên, đôi khi chỉ là mì tôm, cơm nắm hay lương khô... cảm thấy vô cùng xót xa, đau đáu.
|
Các tình nguyện viên tranh thủ chợp mắt ngoài trời sau những ca làm thâu đêm suốt sáng tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP.HCM. |
Và rồi sáng nay, khi thấy bức ảnh "màn trời chiếu đất" của các tình nguyện viên, đội ngũ hậu cần tranh thủ chợp mắt ngoài trời sau những ca làm thâu đêm suốt sáng tại
khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP.HCM được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, càng thấy rằng, không thể để tình trạng này kéo dài.
Những con người sẵn sàng cống hiến hy sinh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vật chất khó khăn đã chạm đến trái tim của bất cứ ai. Những “người hùng thầm lặng” ấy ngủ ngoài trời và dùng những tấm chiếu đắp làm chăn qua đêm. Có những tình nguyện viên vẫn còn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, luôn trong tư thế sẵn sàng khi có bệnh nhân đến khu cách ly.
Tôi cũng như các bạn, chúng ta không thể để họ - những người nơi tuyến đầu - phải sống trong điều kiện như vậy! Sức người có hạn, nếu đến ngưỡng nào đó, họ gục ngã thì ai sẽ giúp chúng ta, ai sẽ chăm sóc, điều trị, chữa trị cho người bệnh?
Vì vậy, cùng với ngợi ca, hãy có việc làm thiết thực hơn, phải dồn lực, giúp sức để họ được sống và làm việc trong điều kiện đảm bảo hơn, tốt hơn nhiều nữa để có đủ sức khỏe mà phục vụ và ngăn chặn đại dịch còn có thể kéo dài.
|
Những chiến sĩ biên phòng tranh thủ ăn trưa giữa những ca trực. |
Câu chuyện về học sinh, sinh viên trường Y xung phong lên tuyến đầu chống dịch, các lá thư tình nguyện phục vụ của các y, bác sĩ, đội ngũ y tế nghỉ hưu thật đáng trân trọng. Nhưng nếu chúng ta phải huy động cả đến những người nghỉ hưu, cũng “cực chẳng đã”, vậy hãy làm gì?
Hiện tại, theo thống kê, nguy cơ rình rập các y, bác sĩ, những người làm việc, tiếp xúc trực tiếp với ca mắc Covid-19 rất cao, ở khu vực cách ly cũng không ngoại lệ.
Ai cũng biết, một người cách ly cần đến vài người phục vụ, một người bệnh thì có đến hàng chục người chăm sóc, điều trị. Số lượng ca bệnh tăng, lượng người cách ly cũng vì thế tăng lên, vậy theo cấp số nhân thì làm sao đủ người chăm sóc, phục vụ. Quá tải thì sức người, ai có thể chịu thấu, nếu cứ ròng rã ngày đêm và liên tục như thế?
|
“Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”. |
Ai cũng có quyền mưu cầu an toàn cho bản thân và gia đình mình. Những người ở tuyến đầu cũng vậy! Bên cạnh họ là gia đình, là người thân cũng rất cần họ. Những câu khẩu hiệu mà các y, bác sĩ khẩn khoản, xin mọi người hãy thực hiện nghiêm túc: “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”. Đất nước vẫn dang tay đón những người Việt ở nước ngoài về, vẫn sẽ xét nghiệm miễn phí và điều trị tích cực cho cả người Việt và người nước ngoài.
Chung tay chống dịch, vì sự hy sinh thầm lặng nơi tuyến đầu, làm ơn xin đừng kêu gọi con em về nước nữa, hãy ở yên và phòng tránh dịch an toàn ở nước sở tại; làm ơn đừng tích trữ thực phẩm, khẩu trang, đồ sát khuẩn, đồ bảo hộ. Họ sẽ cần hơn chúng ta. Nếu chưa thể góp sức gì được cho tuyến đầu, cũng xin đừng gây hoang mang bằng những nguồn tin chưa kiểm chứng, đừng gieo thêm sợ hãi, nghi ngờ trong cộng đồng.
Hãy cứ ăn-ngủ-mua sắm bình thường, đừng tích trữ, đừng tung tin thất thiệt, và hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, vậy là bạn đã giúp chống dịch rồi.
Tôi cũng như các bạn đều mong rằng những người lính biên phòng nơi cửa khẩu biên giới, bộ đội, công an phục vụ các điểm cách ly, các y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế được trang bị tốt hơn về điều kiện sống và làm việc, làm sao để họ không gục ngã.
Họ chính là phao cứu sinh của chúng ta, bảo vệ họ chính là bảo vệ chúng ta.
Theo T.Y (Nguồn: VOV)/VTC