Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: Có nên bầu cử trực tuyến?

Google News

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, có ý kiến cho rằng, nên tổ chức bầu cử theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay chưa phù hợp.

Ngày 23/5 tới, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại nhiều địa phương, cơ sở y tế và có diễn biến phức tạp khi xuất hiện các biến chủng mới của virus, đặc biệt là biến chủng B.1617 được phát hiện tại Ấn Độ.
Nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi, trường hợp dịch diễn biến phức tạp, có nên áp dụng hình thức bầu cử trực tuyến?
Dich COVID-19 dien bien phuc tap: Co nen bau cu truc tuyen?
Cán bộ, chiến sĩ bỏ phiếu bầu tại Trụ sở Cảnh sát biển Vùng 3. Ảnh: TTXVN
Bầu cử trực tuyến chưa phù hợp ở Việt Nam
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, bầu cử trực tuyến ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp.
“Hiện hơn 60% cử tri vẫn sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi ở các vùng này, các thiết bị phục vụ bầu cử trực tuyến chưa có nhiều. Trình độ dân trí tại nhiều nơi chưa cho phép. Tôi nghĩ rằng đề xuất bầu cử trực tuyến chưa phù hợp với đất nước hiện nay” – ông Nguyễn Túc nói.
Ông Nguyễn Túc kể lại, Việt Nam đã từng có các cuộc bầu cử mà xảy ra tình hình rất phức tạp. Đó là cuộc bầu cử ngày 6/1/1946. Khi đó đất nước đang trong chiến tranh. Ở ngoài Bắc, chúng ta trong cảnh thù trong, giặc ngoài đe dọa, chống phá rất ghê gớm. Trong miền Nam, 23/9/1945, Pháp quay trở lại gây hấn dưới sự giúp đỡ của quân đồng minh Anh. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn thưc hiện thành công cuộc bầu cử.
“Như vậy, có thể dịch COVID-19 phức tạp nhưng chúng ta có nhiều hình thức. Có thể sử dụng lực lượng của từng đơn vị bầu cử, được phân ra mang hòm phiếu đến từng nhà theo phương châm “rà từng ngõ, gõ từng nhà”. Do đó, không nhất thiết phải sử dụng hình thức bầu cử trực tuyến” - ông Nguyễn Túc nói.
Dich COVID-19 dien bien phuc tap: Co nen bau cu truc tuyen?-Hinh-2
 Ông Nguyễn Túc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đồng tình quan điểm về việc áp dụng hình thức bầu cử trực tuyến hiện nay là chưa phù hợp.
Đại biểu Hòa cho rằng, hiện nay dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp tại nhiều địa phương. Do đó Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng đang tính toán, cụ thể, chi li để có phương án đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hình thức bầu cử trực tuyến từ trước đến giờ chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cách thức kiểm phiếu thế nào, ra sao chưa có cụ thể.
“Hiện bỏ phiếu trực tiếp vẫn bình thường và có thể đảm bảo khoảng cách phòng dịch, thực hiện các quy định phòng dịch của Bộ y tế như sát khuẩn, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách, khai báo y tế. Hiện nay ngoài hơn 10 tỉnh ở phía Bắc có dịch còn phần lớn các tỉnh chưa có dịch. Các tỉnh đang phòng, chống dịch rất quyết liệt. Do đó, hiện chưa có diễn biến xấu nên không đến nỗi phải bầu cử trực tuyến” – đại biểu Hòa nêu ý kiến và cho rằng, không nên bỏ phiếu trực tuyến bởi phức tạp và dễ có gian lận, không đảm bảo công bằng.
Dich COVID-19 dien bien phuc tap: Co nen bau cu truc tuyen?-Hinh-3
 Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, việc bầu cử trực tuyến hay không trực tuyến, thẩm quyền của Ủy ban bầu cử các cấp và Hội đồng bầu cử Quốc gia.
“Bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh và kể cả trong các khu cách ly, phong tỏa y tế, ở Hải Dương, Sở y tế đã có hướng dẫn cụ thể. Trong khu cách ly, phong tỏa sẽ cử người bê hòm phiếu di động để các cử tri có thể thực hiện quyền công dân của mình và vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh” – ông Nguyễn Quang Phúc nói.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có những quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn phòng dịch trong ngày bầu cử
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin tuyên truyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cho biết thời gian diễn ra bầu cử sắp tới, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nơi bỏ phiếu sẽ tập trung rất đông người nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Do đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có những quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn phòng dịch trong Ngày Bầu cử.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp chung phòng, chóng dịch là đẩy mạnh biên pháp ngăn chặn nguồn lây ngay từ đầu; tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống lây nhiễm virus theo khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có văn bản số 234/HÐBCQG-TBVBPLTTTT gửi Ủy ban Bầu cử ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh.
Dich COVID-19 dien bien phuc tap: Co nen bau cu truc tuyen?-Hinh-4
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Lao động.
Trước ngày Bầu cử, Tổ bầu cử rà soát, kiểm tra kỹ danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu, xác định cụ thể các cử tri thuộc trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà cùng các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật Bầu cử, điểm h khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/1/2021 của Bộ Nội vụ để có kế hoạch chuẩn bị phiếu bầu cử và mang hòm phiếu phụ đến cơ sở cách ly tập trung, nơi ở, nơi lưu trú của cử tri hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri thực hiện quyền bầu cử; có biện pháp thích hợp như niêm yết, phát thanh, thông báo hoặc gửi thông tin về danh sách chính thức những người ứng cử để cử tri đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà có đủ thông tin để lựa chọn người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đến Ngày Bầu cử, Tổ bầu cử cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu.
Việc phát phiếu bầu cử cho cử tri và tổ chức để cử tri bỏ phiếu phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về bầu cử, đồng thời phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.
Sau khi cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu, thành viên Tổ bầu cử phải thực hiện việc khử khuẩn hòm phiếu phụ và mang ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu theo quy định.
Chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm được và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia bỏ phiếu bầu cử.
Các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu,... thực hiện đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trường hợp dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến không thể tổ chức được việc bỏ phiếu vào đúng Ngày Bầu cử hoặc đối với địa phương do dịch bệnh phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội hoặc phong tỏa, Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo rõ phương án (thời điểm, cách thức thực hiện việc bỏ phiếu... và những công việc cần thực hiện) để Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn riêng về công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có việc thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tổ chức các hội nghị trong quá trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và vận động bầu cử, trong quá trình bỏ phiếu bầu cử tại Kế hoạch số 309/KH-BYT ngày 15/3/2021 của Bộ Y tế.
Tỉnh Phú Thọ, TP. Đà Nẵng đã quyết định tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri tổ chức theo hình thức trực tuyến để các ứng cử viên vận động bầu cử. Tại Nghệ An, dù chưa có quyết định chính thức việc tổ hội nghị tiếp xúc cử tri để phòng chống dịch, ngay trong tối 6/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát thông báo trước mắt, tăng cường vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đọc trên loa phát thanh tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên và niêm yết thêm chương trình hành động của các ứng cử viên tại các điểm bầu cử.
Trước đó, vào ngày 4/5, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn việc vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch. Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp có thể nghiên cứu phương án bầu cử trực tuyến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Danh sách ứng cử Đại biểu HĐND TP. Cần Thơ khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Đơn vị bầu cử số 1)

Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.

Tâm Đức