Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương thực hiện các công việc cần triển khai như kêu gọi phương tiện tàu thuyền vào bờ đảm bảo 100% các phương tiện vào bờ và bố trí, sắp xếp, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão, tránh va đập làm hư hỏng hoặc chìm như đã xảy ra trong các trận bão vừa qua. Kiên quyết không để người dân nào trên các tàu, thuyền khi bão số 16 đổ bộ.
Thực hiện cấm sông và di dời ngay người dân khỏi các nhà sung yếu, nhà ven sông, nhà ở các nơi phân tán, không để người dân ở trên các lồng bè. Huy động lực lượng kiên quyết cưỡng chế trong trường hợp cần thiết, đảm bảo hoàn thành việc di dời trước 10h ngày 25/12. Tùy theo diễn biến, tác động của bão và mưa lũ, các tỉnh chủ động cho học sinh nghỉ học.
Thứ trưởng yêu cầu Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn xem xét, chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp sẵn sàng cho các tình huống xảy ra, đặc biệt tại tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng cũng yêu cầu các Bộ: Bộ Công Thương, Tư lệnh Biên phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra đôn đốc theo chiều sâu nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Cũng trong sáng 25/12, trong chuyến kiểm tra tại Kiên Giang - Cà Mau, Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã họp và làm việc với tỉnh Kiên Giang về công tác ứng phó với bão số 16.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan vì diễn biến của bão số 16 (tên quốc tế là bão Tembin) rất phức tạp khi vào đến gần bờ; chuẩn bị kéo dài thời gian ứng phó với bão do bão khi vào gần đất liền sẽ di chuyển chậm lại; chú trọng công tác di dân, các phương án khắc phục sự cố; tiếp tục tuyên truyền nhân dân và du khách thực hiện nghiêm lệnh cấm của tỉnh Kiên Giang về giao thông trên biển, nhất là khu vực đảo Phú Quốc; tập trung lực lượng cơ giới, lực lượng vũ trang địa phương giúp nhân dân đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa.
Trong sáng ngày 25/12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng với đoàn công tác tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại cảng cá Tắc Cậu, công tác neo đậu tầu thuyền tại cảng Cái Lân, Cái Bà và công tác sơ tán tại trường học xã Bình An, huyện Châu Thành, sau đó đoàn sẽ đi kiểm tra công tác sạt lở tại huyện An Minh, Kiên Giang.
Di dời hơn 1,2 triệu dân
Liên quan công tác ứng phó bão số 16 tại các địa phương bị ảnh hưởng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố vùng ảnh hưởng của bão đã ban hành các công điện, văn bản; tổ chức họp, phân công cán bộ xuống các địa phương chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó.
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT, TKCN Bộ tư lệnh Bộ đội BP, tổng số đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.121 phương tiện/343.169 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đã thông báo cho 4.096 lồng, bè nuôi trồng thủy sản/7.534 người, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu 357 lồng, bè/1.076 lao động; Ninh Thuận 831 lồng, bè/230 lao động; Khánh Hòa 2.077 bè/6.220 lao động; Bình Thuận 831 lồng/08 lao động.
Công tác sơ tán dân đang được khẩn trương tiến hành. Hiện nay, 15/19 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch di dời tổng số: 1.168.137 người (TP Cần Thơ đã chỉ đạo rà soát xây dựng kế hoạch di dời nhưng chưa có số liệu cụ thể; 03 tỉnh không có kế hoạch di dời là An Giang, Tây Ninh, Bình Phước).
Trong đó, 10/15 tỉnh đã tổ chức di dời, trong đó 8 tỉnh đã di dời được 74.259 người, gồm TP Hồ Chí Minh: 4.926/4.926 người (đạt 100%); Tiền Giang: 1.016/39.177người (đạt 3%); Bến Tre: 500/77.647 người (đạt 1%); Trà Vinh 1.628/17.335 người (đạt 9%); Sóc Trăng: 12.103/139.036 người (đạt 9%); Bạc Liêu: 52.148/350.634 người (đạt 15%); Đồng Nai: 300/300 người (đạt 100%); Bình Dương: 1.638/3.998 người (đạt 41%); 02 tỉnh (Cà Mau, Hậu Giang) đã tổ chức di dời nhưng chưa có số liệu báo cáo; (05 tỉnh chưa tổ chức di dời gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp).
Công tác chằng chống nhà cửa cũng đang được khẩn trương hoàn tất, 7/19 tỉnh, thành phố đã thực hiện chằng chống nhà cửa với tổng số: 43.649/404.667 nhà, gồm TP Hồ Chí Minh 1.140/1.140 nhà (đạt 100%); Long An 425/1.326 nhà (đạt 32%); Tiền Giang 3.025/4.986 nhà (đạt 64%); Sóc Trăng 2.003/2.003 (đạt 100%); Cà Mau 24.368/53.229 nhà (đạt 46%); Hậu Giang 8.979/172.864 nhà (đạt 5%); Vĩnh Long 3.511/4.045 nhà (đạt 87%)...
Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12; tùy theo diễn biến của bão để có chỉ đạo tiếp theo.