Những chàng trai gánh sóng
Tàu hậu cần của chúng tôi cặp mạn với tàu Quảng Bình QB91784. Trên tàu lúc này có 23 ngư dân, trong đó một nhóm đang khẩn trương bán cá ngoài mũi tàu; phía sau, một nhóm khác vẫn miệt mài nấu nướng, chuẩn bị cho bữa ăn sáng của cả tàu. Tôi chạy về phía sau tàu với ý định xem xem công việc hậu cần của tàu cá như thế nào, khi đám thanh niên này ngẩng mặt lên, tôi khựng người lại vì các cháu đều trẻ quá, thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp, cháu nào cũng chạy trốn và ngoảnh mặt đi để né ống kính vì… sợ được lên hình.
|
Những ngư phủ nhí trên tàu QB91784. ảnh: Gia Tưởng |
Phải khó khăn lắm, tôi mới hỏi được chuyện chàng trai Nguyễn Thành Lợi (17 tuổi). Lợi có thâm niên 2 năm bám biển ở Hoàng Sa. Hỏi về hoàn cảnh của mình, Lợi chỉ cười và nói: Cháu đi theo các anh, các chú cùng làng ra biển. Công việc của cháu là nấu cơm, làm các việc phụ như cọ rửa tàu, xếp lưới, nhưng cũng đã bắt đầu được ra đứng làm những việc ở mũi, như kéo lưới thu cá. “Tuy là người vùng biển, nhưng chuyến đi xa đầu tiên của cháu là khi 15 tuổi. Lúc tàu chạy, say sóng nằm bẹp mấy ngày, cũng chỉ ước có mẹ ở bên để được động viên. Nhưng giờ đi xa đã quen, dù biển có động, sóng có to cỡ nào cũng không sợ nữa. Cứ đêm làm, ngày nghỉ là vui rồi. Chỉ ngại nhất là buồn, vì tàu lênh đênh trên biển cả tháng trời mới về nhà. Nhớ mẹ và nhớ mấy đứa em lắm, nhiều đêm cứ ngủ mơ về bọn nhỏ" - Lợi kể.
Có ra tới biển mới cảm nhận được sự bao dung của mẹ biển. Tôi gặp cậu bé tên Đúc (17 tuổi). Đúc không biết mình họ gì, cũng không biết cha mẹ mình là ai. Em không biết chữ. Trong câu chuyện của các ngư dân trên tàu, tôi nghe được chuyện buồn của Đúc. Hơn 10 năm trước, Đúc lang thang ở các cảng cá ở xã Hải Linh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), khi thì mót cá, khi xin ăn. Người dân vùng biển tuy chưa giàu có, nhưng vốn thương người nên họ cũng bao bọc Đúc để em sống qua ngày đoạn tháng. Do không có cha mẹ, Đúc xin xuống tàu đi biển từ khi mới 13 tuổi. Lúc đó, em chỉ là thợ phụ, được chấm 5/20 điểm. Theo quy định của tàu, công việc của ngư dân được tính theo điểm. Cao nhất tàu là thuyền trưởng và những người làm lưới mũi được 20 điểm. Hiện tại Đúc đã đạt điểm số 17, bằng với số tuổi của em. Đúc được anh Nguyễn Thành Huy - chủ tàu đánh giá là khá nhanh nhẹn và được việc; một trong những người trẻ làm việc tích cực và chịu sóng giỏi nhất tàu. Phải mất rất nhiều thời gian, kiên trì gợi chuyện, tôi mới được Đúc chia sẻ: “Cháu chẳng có nhà, không có người thân. Nếu không có biển để đi, chắc cháu chết đói rồi". Bình thường Đúc đi khơi làm cá, còn khi tàu về bờ bán cá hay nghỉ ngơi tránh con trăng, Đúc xin ngủ luôn tại tàu, vì cũng không có nhà để về. Đúc đi làm cũng được vài năm và cũng để dành được một số tiền kha khá. Mong ước của Đúc là tìm được ai đó chịu bỏ qua hoàn cảnh mà chịu làm vợ mình để có một mái ấm nho nhỏ. Nhưng bây giờ, Đúc cứ coi tàu là nhà, biển là mẹ và sống với những người lưới bạn, với những chuyến theo tàu ra khơi năm này qua năm khác. Tương lai của Đúc cũng chỉ biết đến biển mà thôi.
Trong suốt chuyến theo tàu đi chợ ở Hoàng Sa, tôi gặp hàng chục thiếu niên mới mười sáu, mười bảy tuổi, họ đã có mặt ở ngư trường nắng lửa này nhiều năm và tôi ví họ là “mầm non của biển”.
Cha con cùng ra khơi
Trên những con tàu đang ngày đêm lênh đênh tìm cá tại ngư trường Hoàng Sa, phần lớn họ là anh em họ hàng hay bà con cùng làng, cùng xóm. Không ít trường hợp cả bố con cùng ra khơi.
Tuy là người vùng biển, nhưng chuyến đi xa đầu tiên của cháu là khi 15 tuổi. Lúc tàu chạy, say sóng nằm bẹp mấy ngày, cũng chỉ ước có mẹ ở bên để được động viên. Nhưng giờ đi xa đã quen, dù biển có động, sóng có to cỡ nào cũng không sợ nữa. Cứ đêm làm, ngày nghỉ là vui rồi”.
Nguyễn Thành Lợi, 17 tuổi
Sau chuyến thu mua ở Hoàng Sa, trên đường quay lại cảng cá Thọ Quang của TP.Đà Nẵng, tàu hậu cần chúng tôi đón một vị khách đi nhờ vào bờ, đó là anh Phạm Văn Quy (47 tuổi), người huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sở dĩ phải cắt ngang phiên đánh cá về nhà bởi 3 ngày nữa là tới ngày giỗ của chú anh Quy. Anh Quy có 2 người con, một gái, một trai. Con trai duy nhất của anh là cháu Phạm Văn Cường (16 tuổi), mới đi tàu được nửa năm nay, vẫn đang bám biển cùng các anh, các chú. Cường được anh cho đi biển để theo nghề của cha, chú mình. Tuy học hành không sáng dạ, nhưng đi biển lại rất chăm chỉ. Ngay chuyến đi biển đầu tiên Cường đã không say sóng, giao việc gì cũng làm thoăn thoắt, lại được bố kèm cặp tới nơi tới chốn nên tiến bộ rất nhanh. Lúc mới đi chỉ được chấm 5 điểm, nhưng bây giờ đã được tính 8 điểm. Cứ mỗi phiên đi biển về, hai cha con được hơn 10 triệu đồng. Đối với vùng quê như thế là ổn, đủ tiền nuôi chị gái theo học đại học ở TP.HCM và tiết kiệm để sửa sang nhà cửa.
Một trường hợp đặc biệt nữa, cũng đưa con đi biển là ông Phạm Mai (43 tuổi, Quảng Bình). Nói về những đứa con của mình, ông Mai khoe: "Hiện tôi có 3 thằng con trai đi theo bố làm nghề biển, cũng may có biển tôi mới lo được công ăn việc làm cho chúng".
Có đi ra biển mới thấy được sự bao dung, và chỉ có lòng biển mới chất chứa được những hoàn cảnh, những cuộc đời, số phận éo le, bất công, và từ lòng biển sẽ ươm mầm những ngư dân lão luyện của đất nước.
Theo Gia Tưởng/Dân Việt