Đền Sượt tọa lạc tại phường Thanh Bình (TP Hải Dương) là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, điểm du lịch của tỉnh Hải Dương những ngày đầu xuân Ất Tỵ luôn nườm nượp du khách, chủ yếu là những người kinh doanh buôn bán đến lễ đền để mong cầu một năm kinh doanh thuận lợi, mua may bán đắt.
|
Những ngày đầu xuân, nhiều du khách đến lễ tại đền Sượt. |
|
Trong đó có nhiều người làm nghề kinh doanh, buôn bán. |
Đền Sượt còn có tên tự “Quang Liệt miếu” hay “Thanh Cương linh từ”. Ngôi đền thờ Đại vương Vũ Hựu (1472 - 1520), một danh tướng thời Lê. Khi qua đời (năm Tân Tỵ-1521), ông được tôn là Thượng đẳng phúc thần, Minh quốc linh ứng, Hiển Hựu đại vương và Thành hoàng làng.
Ông Hoàng Văn Tứ, Ủy viên Thường trực Ban Quản lý Di tích Đền Đình Sượt cho biết, Đại vương Vũ Hựu phụng sự cho triều nhà Lê, văn võ song toàn, trong quá trình phụng sự nhà vua, đại vương Vũ Hựu đã đánh trên 30 trận dẹp giặc Ai Lao cho đến Chiêm Thành, nội xâm giữ bình yên cho nhân dân, đất nước.
|
Đền Sượt xây dựng từ thế kỷ 15-16 và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào thời Nguyễn. |
|
Đến nay, đền Sượt vẫn còn là một trung tâm tín ngưỡng hưng thịnh.
|
|
Người dân đến lễ tại đền Sượt. |
Đền Sượt xây dựng ngay tại nơi Đại vương Vũ Hựu ra đời. Khi vinh quy về làng, ông cho sửa lại thành nhà quan cư để mỗi khi đi về có chỗ nghỉ ngơi. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ. Đền được xây dựng từ thế kỷ 15-16 và đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Ngôi đền hiện nay là kết quả của đợt trùng tu thời Nguyễn năm Tự Đức thứ 34 (1881) và năm Khải Định thứ 9 (1924). Đây là một trong những ngôi đền cổ tại Hải Dương.
Đền quay mặt về hướng Tây, gồm tòa bái đường, trung từ và hậu cung. Đền hiện có dáng kiến trúc ngoại và nội thất mang đậm bản sắc văn hóa thời Nguyễn. Kiến trúc tòa cổ các theo kiểu chồng diêm hai tầng, lợp ngói mũi là nét đặc sắc kiến trúc của ngôi đền. Tòa bái đường dài 14,6 m, rộng 8 m, hai đầu hồi xây bịt kín, đôi kìm ngậm giữ chắc bờ mái. Từ hệ thống cổng tam quan đến cách trang trí trên mái đền như các đao con nghê hay hình tượng rồng uốn mình chầu vào tòa cổ các lộng lẫy, uy nghi với 4 chữ lớn: “Dực Bảo Trung Hưng”.
|
Những kiến trúc cổ tại ngôi đền.
|
Cùng với công trình kiến trúc cổ, đền hiện còn lưu giữ được một số di vật cổ như ngai thờ và bài vị, đôi câu đối khảm trai, đôi câu đối chữ triện, bộ đòn bát cống cùng bộ bát biểu, thanh đao, cuốn ngọc phả...Tại bậc tam cấp, hai đầu hồi hiện có đôi nghê đá túc trực, canh giữ cho ngôi đền. Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá được cung tiến vào ngày 1-5 niên hiệu Bảo Thái năm thứ hai (1721) đời vua Lê Dụ Tông, 200 năm sau ngày Đại vương Vũ Hựu mất. Không gian kiến trúc nội thất đền Sượt cũng là những nét kiến trúc tiêu biểu của văn hóa thời Nguyễn.
|
Một ông đồ cho chữ tại đền Sượt. |
Đền Sượt được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 68/QĐ-BVHTT ngày 29/1/1992. Năm 2020, lễ hội đền - đình Sượt được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2021, di tích được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là điểm du lịch của tỉnh Hải Dương.
Lễ hội đền, đình Sượt được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch hằng năm, trong đó ngày 10 tháng 3 là trọng hội, kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Vũ Hựu. Lễ hội đền – đình Sượt là lễ hội đặc sắc và quy mô nhất trên địa bàn thành phố Hải Dương với các nghi lễ và trò diễn đặc sắc như: lễ rước, lễ tế, xin âm dương, làm cỗ thượng tiến, đóng đám và thả cây đám, thả trứng, đánh bệt, bơi chải. Lễ hội đền Sượt từ xưa đã được coi như là một lễ hội vùng có quy mô lớn, thu hút nhân dân Hải Dương và các tỉnh, thành lân cận về dự.
Đến nay, đền Sượt vẫn còn là một trung tâm tín ngưỡng hưng thịnh. Đặc biệt là những ngày đầu xuân, ngày lễ hội, ngày rằm mùng một đã thu hút đông đảo nhân dân đến sinh hoạt tín ngưỡng. Ở đây sở dĩ thu hút đông đảo du khách ngoài cảnh đẹp của ngôi đền cổ và truyền thống uống nước nhớ nguồn còn có nguyên nhân cho rằng, thẻ của đền Sượt khá ứng nghiệm. Trong tâm linh của nhiều người cho rằng Đức Thánh đền Sượt rất thiêng, những người đến cầu phúc, những điều tâm đức thường được phù hộ. Đó cũng là lý do lý giải những ngày đầu xuân Ất Tỵ, ngôi đền là điểm đến của nhiều du khách.
Hải Ninh