Nơi đề xuất thu, chỗ đề xuất miễn, chuyên gia ngạc nhiên
Bài toán đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa trỗi dậy khi UBND TP Cần Thơ góp ý dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) do Bộ Tài chính chủ trì. Theo đó, địa phương này kiến nghị chỉ nên miễn thuế TNCN với các khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, còn lãi suất tiền gửi lớn thì cần đưa vào diện chịu thuế.
Ngược lại, tỉnh Ninh Thuận lại đưa ra đề xuất miễn thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại và phát triển kinh tế.
Nhiều năm trước, đã từng có ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với các khoản lãi tiết kiệm lớn bởi khoản này cũng giống như đầu tư chứng khoán, bất động sản...
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng cần miễn thuế cho các khoản lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu Chính phủ... để khuyến khích tiết kiệm, phát triển kinh tế.
 |
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Theo quy định hiện hành, cá nhân nhận lãi từ các khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn thuế. Vì vậy, đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi khiến nhiều khách hàng "sốc". Bởi nếu đánh thuế đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Báo Sức khỏe Đời sống đưa tin, bình luận về đề xuất thu thuế TNCN với lãi tiền gửi, chuyên gia tài chính, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, từ hơn 10 năm trước đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với các khoản lãi tiết kiệm của cá nhân. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó bị bác bỏ. Cá nhân ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi một lần nữa đề xuất này gần đây được xới lại.
"Năm 2011 cũng đã có một số ý kiến đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân tại ngân hàng. Chúng tôi cũng đã có phản hồi thực tế việc này là chưa cần thiết và cũng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế", PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo chuyên gia, có nhiều lý do không nên đánh thuế TNCN từ tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.
Thứ hai, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Với số tiền tích luỹ được để gửi vào ngân hàng như hiện nay, nếu tính đến yếu tố lạm phát, số tiền lãi nhận được của người gửi thực chất không còn được bao nhiêu.
"Việc người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không "bõ" và cũng không đáng", ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, lạm phát còn cao nên mức lãi suất thực dương hiện thấp. Những năm gần đây, lạm phát vào khoảng 4%, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn dài 12 tháng vào khoảng 6%/năm, lãi suất thực dương vào khoảng 2%, không lớn. Chưa kể, người gửi tiền ở các ngân hàng chủ yếu là người lớn tuổi, người về hưu có tiền tích cóp nhiều năm để phòng cơ.
Cả ngân hàng lẫn người gửi đều bị thiệt
Chia sẻ với báo Pháp luật TP HCM, Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng quốc doanh cho rằng đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lãi suất tiết kiệm sẽ bị phản đối cả từ hai phía: Cả ngân hàng lẫn người gửi tiền.
Lý do là ngân hàng đang rất cần huy động tiền gửi của khách hàng cá nhân vào hệ thống để các nhà băng có nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Hiện lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân đang chiếm tỉ trọng vô cùng lớn trong các ngân hàng. Hiện nay có ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân có thể lên đến 70-80%, thậm chí lên đến 90% trong tổng nguồn vốn huy động của mình.
Nhìn từ góc độ người gửi tiền, việc người dân chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất chứ không phải kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Còn nhìn từ phía ngân hàng thì tiền gửi của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi khi một lượng lớn tiền gửi của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng, điều này sẽ tạo điều kiện để ngân hàng thực hiện đầu tư theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tức là nắn dòng vốn vào đúng những nhóm ngành, những lĩnh vực mà Chính phủ cần tập trung để phát triển kinh tế xã hội.
"Do đó, nếu tiền gửi của người dân phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì có nguy cơ dòng tiền này sẽ chạy sang những kênh như vàng, bất động sản…Một khi lượng tiền gửi của cư dân sụt giảm thì các ngân hàng thương mại sẽ phải lao vào cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, điều này kéo theo lãi suất cho vay tăng và người đi vay (doanh nghiệp, người dân) vẫn là đối tượng phải chịu tác động mạnh nhất”, vị Phó Tổng Giám đốc ngân hàng nhấn mạnh.
Lo thuế chồng thuế
Chia sẻ trên báo SKĐS, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, chưa nên tính thuế tiền lãi tiết kiệm thời điểm này. Bởi việc áp thuế tiền gửi tiết kiệm chắc chắn sẽ tác động đến nguồn vốn huy động của các nhà băng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng khá nhiều. Để có vốn cho vay, các ngân hàng phải thực hiện huy động vốn từ tổ chức, cá nhân. Mức độ tác động của thuế lên vốn huy động như thế nào phụ thuộc vào thuế suất cũng như cách tính thuế.
"Nếu tính thuế trên số tiền gửi tiết kiệm thì chẳng khác nào đánh thuế 2 lần trên một khoản thu nhập. Bởi người làm công ăn lương sau khi trừ đi thuế, còn dư một phần tiền gửi tiết kiệm mà số tiền này lại tính thuế lần nữa thì không hợp lý. Trong trường hợp chỉ tính thuế trên phần lãi mà ngân hàng trả cho người gửi tiền thì sẽ hợp lý hơn, vì tiền đẻ ra tiền, tạo ra thu nhập thì chịu thuế. Thế nhưng, lúc này lại phải đặt câu hỏi, tiền lãi bao nhiêu mới chịu thuế.
Ở đây, nếu tính thuế trên lãi thì cũng phải đưa các kênh đầu tư khác vào đối tượng chịu thuế. Chẳng hạn như người bán vàng có tiền lời thì có tính thuế hay không? Trong trường hợp chính sách thuế không đồng bộ giữa các kênh đầu tư thì dòng tiền sẽ chạy từ chỗ này sang chỗ khác", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân lưu ý.
Nhìn chung, đa số ý kiến chưa đồng tình với đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt trong bối cảnh mức chiết trừ gia cảnh của luật Thuế TNCN đã lạc hậu rất lâu vẫn chậm trễ sửa đổi thì các đề xuất đánh thuế khiến người nộp thuế cảm thấy bị vắt kiệt.