|
Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là nghị quyết sẽ thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 (được áp dụng lấy phiếu tín nhiệm tại nhiệm kỳ trước của Quốc hội) nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp.
Tại tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về việc bổ sung trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể là qua tổng kết thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm và ý kiến góp ý của nhiều cơ quan, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần thiết bổ sung vào khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết quy định về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.
Về đối tượng lấy phiếu, ngoài nội dung xin ý kiến nói trên dự thảo nghị quyết còn bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW và thực tiễn của việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua.
Với căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 6), tờ trình nêu rõ Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ nêu 2 tiêu chí gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trên cơ sở Quy định số 96-QĐ/TW, Luật Cán bộ, công chức, dự thảo Nghị quyết đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá phù hợp với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Đồng thời bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có).
Một trong những điểm mớ tại quy trình lấy phiếu là đã bổ sung về thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và bổ sung quy định về thời gian là chậm nhất 45 ngày để gửi văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi Báo cáo và Bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.
Quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự cũng được bổ sung.
Cạnh đó, quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm để thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW, cũng được sửa đổi.
Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
Trước đó, Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề xuất thời hạn trong quy định hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.
Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Ở tờ trình ra Quốc hội, đề xuất về thời hạn trên đã không còn xuất hiện.
Theo nghị trình Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, chiều 30/5 Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ngay sau đó nội dung này được tiến hành thảo luận tại tổ.
Chiều 9/6 Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết tại hội trường, sau đó bấm nút thông qua vào chiều 23/6.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:
Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;
Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội;
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Theo Nguyễn Lê/Báo đầu tư