Đề xuất chi 50 triệu mua tin phòng chống tham nhũng: Có khả thi?

Google News

Bộ Tài chính đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi cụ thể khi mua tin phòng chống tham nhũng, tối đa 50 triệu đồng một tin.

Bộ Tài chính đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi cụ thể khi mua tin phòng chống tham nhũng, tối đa 50 triệu đồng một tin.
Nội dung này được nêu tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp.
De xuat chi 50 trieu mua tin phong chong tham nhung: Co kha thi?
Ảnh minh họa. 
Bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Giảng viên luật hình sự (Đại học Thuỷ Lợi) cho rằng, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài, là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc làm trong sạch bộ máy chính quyền, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Nhà nước thực sự của dân, vì dân, để phát triển ổn định và tiến bộ xã hội.
Để đảm bảo cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, cần đảm bảo về mặt tài chính, về nhân lực. Do đó, việc chi tiết các khoản thu, chi trong dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là cần thiết.
Tuy nhiên, cần xem xét lại quy định về khoản chi đối với tin báo về tham nhũng để đảm bảo quy định này phù hợp với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Nội dung về việc chi tiền để mua tin báo về tham nhũng, về các hành vi vi phạm pháp luật theo dự thảo là việc chưa từng có quy định trong các quy định của hệ thống pháp luật. Trước đây, cũng đã có những ý kiến đề xuất về việc chi tiền cho việc mua tin báo vi phạm giao thông nhưng không được sự ủng hộ của đông đảo chuyên gia và người dân nên đã không được thông qua.
Nêu quan điểm cá nhân, luật sư Cường cho rằng, căn cứ vào tình hình kinh tế chính trị, về thực trạng xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm giai đoạn hiện nay ở Việt Nam thì chưa cần thiết Nhà nước phải chi tiền để mua thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của công dân.
Thay vào đó, chỉ cần áp dụng các văn bản pháp luật hiện có, xây dựng các cơ chế đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh là có thể quản lý tốt xã hội.
Nguyên tắc có tội thì phạt, có công thì thưởng hoàn toàn có thể áp dụng trên cơ sở những quy định pháp luật hiện có. Với Luật thi đua khen thưởng đang áp dụng hiện nay, có những trường hợp cán bộ, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm thì được khen thưởng. Việc khen thưởng được quy định trong Luật thi đua khen thưởng và các văn bản pháp luật có liên quan. Khen thưởng và treo giải thưởng tìm tội phạm, bỏ tiền mua tin báo là những tình huống khác nhau.
Ở các quốc gia phát triển hiện nay, tình hình kinh tế xã hội ổn định, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý được thực hiện tốt, ý thức chấp hành pháp luật của công dân được nâng cao, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật được kiểm soát tốt hơn.
Nhiều quốc gia hiện nay mặc dù đã bỏ hình phạt tử hình nhưng tội phạm vẫn giảm đi, nhà tù từng bước thu hẹp, đóng cửa, trật tự xã hội được duy trì ổn định. Đó là những minh chứng cho thấy không phải cứ xử lý nhiều, xử lý nghiêm, hình phạt nặng là tốt, làm sao để người dân có ý thức tuân thủ pháp luật, cơ quan chức năng không cần phải xử lý, không có người vi phạm mới là điều khó.
Vì vậy, các chi phí cho việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống sẽ quan trọng hơn kinh phí để tìm kiếm vi phạm, sai phạm phải để xử lý…
Đối với phòng chống tham nhũng, vấn đề đặt ra là làm sao để cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và cuối cùng là không dám tham nhũng mới là phương hướng đúng đắn, đảm bảo hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, tham nhũng được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi tham nhũng bị xử lý hình sự bằng chế tài của pháp luật. Việc phát hiện xử lý tham nhũng đã và đang được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định từ việc giải quyết tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự.
Thực tế việc phát hiện xử lý tội phạm đang được thực hiện thông qua rất nhiều nguồn tin như: Nguồn tin từ đơn thư tố cáo tố giác của cơ quan tổ chức, nguồn tin từ dư luận nhân dân, thông tin từ các cơ quan báo chí, nguồn tin từ quá trình thanh tra kiểm tra phải thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng…
Trong các nhóm tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, các tội phạm về tham nhũng và chức vụ là một trong các nhóm tội phạm được BLHS quy định rất cụ thể tại mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359.
Bởi vậy, quy trình, trình tự, thủ tục để tiếp nhận tin báo, xử lý các thông tin về tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng và chức vụ nói riêng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ cũng được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm.
Theo Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ thuộc về các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật mà trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân.
Quy định trên cho thấy, Bộ luật hình sự hiện hành đề cập đến trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là của toàn xã hội, và được tóm lược bằng ba nhóm đối tượng chính: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác; cơ quan, tổ chức khác; mọi công dân (cá nhân). Mọi người đều có quyền phát hiện, tố giác tội phạm, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý tội phạm.
Các số liệu thống kê về tội phạm tham nhũng chức vụ thời gian qua cho thấy số lượng vụ án, số bị can, bị cáo bị xử lý về các tội phạm liên quan đến tham nhũng và chức vụ ngày càng nhiều. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã dành rất nhiều thời gian, công sức, lực lượng cho việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Với những nguồn tin qua công tác nghiệp vụ, qua thanh tra, kiểm tra, qua thông tin tố cáo tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện xử lý rất nhiều trường hợp phạm tội về tham nhũng chức vụ.
De xuat chi 50 trieu mua tin phong chong tham nhung: Co kha thi?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. 
Bởi vậy, hiện nay chưa cần phải quy định về việc Nhà nước bỏ tiền ra mua tin báo vệ tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng nói riêng. Với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, tình hình về tội phạm hiện nay, với nhân lực, trang bị, nguồn lực về tài chính, khoa học kĩ thuật và thực trạng tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay, không cần phải chi tiền “mua việc” cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Hơn nữa, việc báo tin về tội phạm là trách nhiệm của nhân dân, của cơ quan tổ chức trong việc phòng chống tội phạm theo quy định tại Điều 4, BLHS. Nếu người nào tích cực, có công lớn sẽ được khen thưởng theo luật thi đua khen thưởng, những người phạm tội có công trong việc tố giác người khác phạm tội sẽ được áp dụng tình tiết lập công chuộc tội.
Bên cạnh đó, quy định mua tin báo còn có thể phát sinh những hệ lụy tiêu cực cho xã hội như sẽ xuất hiện nhắn tin báo giả gây nhiễu loạn thông tin, có thể xâm phạm đến quyền và lễ hợp pháp của người bị tố cáo tố giác; có thể phát sinh tranh chấp khiếu kiện khi có nhiều nguồn tin về một sự việc, khi đó việc chi trả sẽ không tránh khỏi xung đột, mâu thuẫn.
Ví dụ, khi có người báo tin về hành vi tham nhũng của cán bộ, tuy nhiên hành vi này cũng được báo chí phản ánh hoặc qua công tác nghiệp vụ cơ quan chức năng cũng đã có thông tin, khi đó có trả tiền cho người cung cấp thông tin hay không?. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng vì muốn được trả tiền mà có người sẽ dựng chuyện, gài bẫy để hãm hại người khác…
“Tôi cho rằng, đến khi việc phát hiện tội phạm khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không tìm kiếm được tội phạm để xử lý, khi đó mới khuyến khích bằng cách mua tin báo”, ông Cường nêu ý kiến.
Theo dự thảo, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi cụ thể dựa vào nội dung, tính chất của tin được cung cấp. Song, mức này không vượt 50 triệu đồng cho một tin. Việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn khác theo quy định.
Thông tin phục vụ phòng, chống tham nhũng là những tin phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng. Các thông tin này có thể bằng lời, văn bản, ghi âm hoặc các hình thức khác, nhưng phải đảm bảo độ chính xác, tin cậy và có đủ chứng cứ để kiểm tra, xác minh.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Bộ Tài chính tiếp tục bác đề xuất giảm phí trước bạ ôtô:
 
Hải Ninh