Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt được PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông, đưa ra tại hội thảo "Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển", do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức tại Quy Nhơn hồi tháng 9-2017.
Hãy bình tĩnh xem xét
PGS-TS Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian. Hàng loạt chữ cái hiện hành bị thay thế, giản lược cách viết, thay đổi cách đọc...
Đề xuất này ngay lập tức đã vấp phải những ý kiến phản bác, chỉ trích, "ném đá" rất nặng nề.
|
PGS-TS Bùi Hiển. |
PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng từng có. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay. Vì thế, không phải lo ngại rằng chỉ vì ý kiến của ông Hiền mà nay mai chúng ta sẽ phải đọc một văn bản với những ký tự hoàn toàn khác hiện nay.
PGS-TS Phạm Văn Tình cho rằng chữ quốc ngữ từ khi hình thành và đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Vì số hệ thống chữ Latin không đủ, tương ứng với hệ thống âm vị tiếng Việt nên người ta phải sáng tạo chữ khác để ghi cho đủ như: đ, ă, ô, ơ, ư, nh, ng(h), th, tr... Những bất hợp lý đó nhiều nhà nghiên cứu nhận ra từ trước và tìm cách cải tiến nhưng không được. Từ đầu thế kỷ XX đã có nhiều người như Ngô Quang Châu, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Bạt Tụỵ, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Xuân Hãn, Lê Khả Kế, Hoàng Phê, Nguyễn Lân... đều đã bàn về việc cải tiến hệ thống chữ viết, chuẩn hóa tiếng Việt nhưng đều không khả thi. Lý do rất đơn giản bởi quốc ngữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng hàng trăm năm nên thay đổi là điều rất khó.
Cần đánh giá một cách khoa học
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển, đặt vấn đề đề xuất của ông Hiền đặt ra trong hội thảo khoa học thì cần phải đánh giá một cách khoa học chứ không nên "ném đá" vô căn cứ.
|
Ví dụ về cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền. |
Theo TS Vịnh, phần nhiều người đang phản bác gay gắt đề xuất của PGS Hiền khi chưa đọc kỹ tham luận khoa học của ông nên không hiểu rõ mục đích của đề xuất này. Chữ quốc ngữ đã trải qua quá trình biến đổi qua hàng trăm năm, kể cả với lối viết hiện đại, thì chính tả tiếng Việt cũng đã trải qua rất nhiều lần cải cách, chưa thể xác định đâu mới là lần cải cách cuối cùng.
"Cách viết tiếng Việt hiện nay đã khác xa rất nhiều với thời các giáo sĩ ngoại quốc ghi lại bằng ký tự Latin lời ăn tiếng nói của người Việt. Ví dụ: "blời" sau này được viết thành "trời" (hoặc giời), "blái" sau được viết thành "trái", "mlớn" sau này mới viết thành "lớn"... Mấy chục năm trước, các từ ghép trong tiếng Việt đều được viết với dấu gạch nối ở giữa, mà đến những năm 1980, chúng ta đã bỏ hẳn dấu gạch nối này đấy thôi" - TS Vịnh nói.
Dù không đồng quan điểm với ông Bùi Hiền nhưng PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, cũng cho rằng ông Hiền không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ là người gợi lại vấn đề và đưa ra một đề xuất mới với nhiều thay đổi gây tranh cãi. Đây chỉ là một báo cáo khoa học của cá nhân chứ không phải là đề xuất của một tổ chức khoa học hay cơ quan nhà nước nào nên mọi người cũng không nên quan trọng hóa vấn đề. Ít ra đây cũng là dịp để mọi người hiểu biết hơn về chữ quốc ngữ và cách ứng xử với nó.
Thay đổi chữ cái, cách viết
Những bất hợp lý mà PGS-TS Bùi Hiền đưa ra là hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…). Từ đó, ông kiến nghị chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt.
Theo Yến Anh/NLĐ