Đề xuất 30 chính sách đặc thù cho TP Đà Nẵng

Google News

Sáng 31/5, Quốc hội nghe báo cáo Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phát huy tính ưu việt, khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14.
T
De xuat 30 chinh sach dac thu cho TP Da Nang
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: QH.
Đồng thời tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 chương, 18 điều, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách), bao gồm: Quản lý đầu tư (3 chính sách); tài chính, ngân sách nhà nước (3 chính sách); quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (1 chính sách); vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (5 chính sách); tiền lương, thu nhập (2 chính sách).
Đối với chính sách đề xuất mới theo thực tế, hiện Đà Nẵng đang triển khai xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư hạ tầng các bến cảng, lộ trình trong tương lai phấn đấu Cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển quốc tế và Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế.
Để sớm trở thành hiện thực, việc thực hiện chính sách thu hồi đất để kêu gọi xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trung tâm logistics nhằm phục vụ cho phát triển cảng biển Liên Chiểu là cần thiết. Chính sách đặc thù này áp dụng cho thành phố Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện cho thành phố triển khai thực hiện các dự án kết cầu hạ tầng logistics được thuận lợi, hiệu quả, phát triển cảng biển Liên Chiểu, đáp ứng các mục tiêu và phương án triển khai quy hoạch phát triển thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng đã xác định một số mục tiêu phát triển như xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bán dẫn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo về bán dẫn với các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư; tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; xây dựng cơ chế rõ ràng trong sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin phục vụ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Để giải quyết một số hạn chế trong đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định 3 nhóm chính sách:
Quyết định cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ không thông qua đấu giá để hoạt động;
Quy định nội dung và mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách thành phố cho các đối tượng sử dụng kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ;
Quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách thành phố.
Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, một trong những chính sách đề xuất mới đối với TP Đà Nẵng là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia, các quốc gia không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.
De xuat 30 chinh sach dac thu cho TP Da Nang-Hinh-2
Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình. Ảnh: QH.
Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập Khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Đây là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý.
Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới.
Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả Vùng. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung sau: Khái niệm, mô hình tổ chức; Chức năng, nhiệm vụ; Nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng… Khu thương mại tự do; Tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền...
Mai Loan