Con ăn gì ở trường là câu hỏi mà phụ huynh luôn đặt ra mỗi ngày. Tuy nhiên, băn khoăn chính đáng này không phải lúc nào cũng được giải đáp khi mà từ thực đơn được nhà trường công bố cho đến bữa ăn của các con ở lớp mỗi ngày, đôi khi lại là cả một khoảng cách khác biệt lớn.
Trên mạng xã hội, một cô giáo dạy tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội xót xa: Có phụ huynh, cho con đi học ở một trường nổi tiếng hẳn hoi mấy năm trời, một hôm con đau bụng cho đi khám thì chụp được những chùm hạch lủng lẳng như nho rừng trong ruột. Nguyên nhân theo bác sĩ là chế độ ăn uống mất vệ sinh kéo dài trong một thời gian.
|
Hình ảnh thực phẩm có dấu hiệu hư thối được phụ huynh phát hiện tại trường tiểu học Lý Nhân (Vĩnh Phúc) mới đây. |
Thế mà ở nhà, các con đa số đều là cậu ấm cô chiêu. Bố mẹ phải khua chiêng gõ trống mới đút được cho con thìa cơm, nhưng đến lớp, miếng trứng bã ra, ướt nhoẹt cũng vẫn phải ăn. Buồn thay, phần lớn các con đều không biết, không dám kêu.
Công bằng mà nói cũng có giáo viên lên tiếng tố cáo chính hiệu trưởng trường mình đã ăn bớt tiền ăn của trẻ, thế nhưng đó chỉ là trường hợp hy hữu.
Dư luận chưa kịp lắng đi với câu chuyện Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Nhân (Vĩnh Phúc) phải xin lỗi các phụ huynh vì để thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, thối rữa vào bếp ăn nhà trường… thì mới đây, trong khay thức ăn của các em học sinh tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) lại xuất hiện giòi bò.
Cách đây không lâu, trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark bị phát hiện nhập thực phẩm bẩn từ các nhà cung cấp nhỏ lẻ ở chợ. Bánh mỳ để trong tủ đông 10 ngày vẫn mang ra chế biến làm thức ăn cho học sinh.
Đây mới chỉ là vài trường hợp vô tình bị phát hiện bởi học sinh và phụ huynh. Nhưng nhờ thế nhiều sự thật mới được hé lộ.
Đã từ rất lâu, chúng ta luôn thấy những bản báo cáo đẹp đẽ từ các cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm trong trường học. Thế nhưng những sự việc đau lòng vẫn diễn ra mà phần lớn là do phụ huynh phát hiện. Niềm tin của phụ huynh càng bị lung lay, mai một mỗi ngày.
Bữa ăn của trẻ luôn đối diện với nhiều nguy cơ. Thế nhưng, quy trình kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm ở trường học của các cơ sở giáo dục vẫn mang nặng hình thức. Thay vì đến tận nơi thì họ chủ yếu chỉ căn cứ vào các văn bản báo cáo của nhà trường.
Câu chuyện về thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa ăn của trẻ đã được nhấn nút SOS nhiều năm nay khi người người, nhà nhà vừa ăn vừa sợ.
Câu nói “con đường ngắn nhất là từ dạ dày đến nghĩa địa” vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự giữa thời buổi thực phẩm bẩn đang lên ngôi. Còn nỗi đau nào lớn hơn, khi những đứa trẻ Việt Nam hôm nay phải đối diện với nguy cơ này mỗi ngày.
Hơn ai hết, chúng ta đều hiểu, trẻ em là tương lai của đất nước. Trong số các tội ác thì việc ăn bớt tiền của trẻ, biến bữa ăn của trẻ thành nơi để “phi tang” các loại thực phẩm thối bẩn là tội ác không thể tha thứ.
Việc đưa thực phẩm bẩn vào nhà trường hay việc để các em phải ăn bẩn, uống bẩn là đã tiếp tay làm hại cả một thế hệ, là hủy hoại những mầm non tương lai.
Để bữa ăn của trẻ bị “bẩn”, trách nhiệm chính phải là người đứng đầu của nhà trường. Chưa nói đến yếu tố đạo đức, chỉ cần để xảy ra sai phạm, hiệu trưởng cũng nên nói lời từ chức. Có như thế trường học mới có thể là một môi trường trong sạch, an toàn và lành mạnh./.
Chi Chi