Chiều 29/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Phan Thanh Bình đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Có ý kiến cho rằng, nội dung quy định về hành vi bị nghiêm cấm còn chung chung, chưa chặt chẽ, khó thực hiện và cần quy định rõ chế tài đối với hành vi vi phạm các điều cấm trong Luật.
|
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “xuyên tạc lịch sử”, “thông tin sai sự thật”, “chèo kéo, tranh giành”, “hành vi lừa đảo khách”, “các hành vi làm tổn hại đến danh dự và thể diện quốc gia”… vào các hành vi cấm trong Luật Du lịch. Ảnh Internet.
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: dự thảo Luật Du lịch chỉ có thể quy định hành vi bị cấm, còn chế tài sẽ được thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành khác có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự... Bên cạnh đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo đã được điều chỉnh, bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm có tính đặc thù trong lĩnh vực du lịch. Về cơ bản, các hành vi bị nghiêm cấm trong Điều 9 dự thảo Luật đã bao quát nhiều nội dung, thống nhất với quy định của Hiến pháp 2013 trên nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “xuyên tạc lịch sử”, “thông tin sai sự thật”, “chèo kéo, tranh giành”, “hành vi lừa đảo khách”, “các hành vi làm tổn hại đến danh dự và thể diện quốc gia”, “lợi dụng hoạt động du lịch hành nghề mê tín dị đoan, buôn bán người, vi phạm bình đẳng giới, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: một số nội dung đã được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật, một số nội dung khác đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và các luật khác có liên quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, khoản 9 Điều 9 dự thảo Luật Du lịch đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan".
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quyền của khách du lịch được lựa chọn hoặc từ chối các dịch vụ du lịch nếu dịch vụ cung cấp không bảo đảm đúng như trong hợp đồng; bổ sung quy định bảo hộ quyền con người, bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là khi xảy ra sự cố; bổ sung quy định xử lý rủi ro cho khách du lịch; quy định về bảo hiểm đối với hành khách.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung những nội dung trên tại các điều 11, 12, 13, 14 của dự thảo Luật; vấn đề bảo hiểm đối với hành khách được quy định tại Điều 39 về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành: Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.
Một số ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định: “Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch” dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, làm phát sinh biên chế, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, không quy định nội dung này trong dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết.
Có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật do Chính phủ trình giao “cơ quan nhà nước có trách nhiệm… bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng, tài sản của khách du lịch…” là không khả thi và chưa rõ chủ thể chịu trách nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch được xác định là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch, đơn vị quản lý các khu du lịch, điểm du lịch và cũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định nội dung này tại Điều 13 dự thảo Luật.
Một số ý kiến cho rằng, giao “UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, xử lý kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn” là không hợp lý, đề nghị giao cho UBND các cấp trên địa bàn, Ban quản lý các khu du lịch, điểm du lịch thực hiện nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giao nhiệm vụ này cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch và Ủy ban nhân dân các cấp để đảm bảo tính kịp thời, thuận tiện trong việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách du lịch (Điều 14 dự thảo Luật).
Ngoài ra còn nhiều ý kiến khác nhau về đô thị du lịch, về cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch, nhiều Đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự án Luật Du lịch và góp ý những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu cũng đã góp nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện hơn dự án Luật Du lịch.
Hải Ninh