Phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội khóa XIV ngày 30/3, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu (Đoàn ĐBQH Đắk Lắk) cho biết: “Chúng tôi hàng ngày đều phải xét xử nhiều vụ án, thậm chí có tử hình và chung thân.
Áp lực rất nhiều, điện thoại của tôi liên tục nhận tin nhắn khủng bố, chửi bới… của đương sự. Hay cả bị cáo cũng nhắn tin đe dọa. Đã có những thẩm phán tại Hà Nội bị tạt axít, do vậy, phải có cơ chế như thế nào để bảo vệ đội ngũ này. Ngoài việc chế độ chính sách thì về mặt pháp luật cũng phải có cơ chế để bảo vệ".
|
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.
|
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu đồng tình với các ý kiến đã nêu về vấn đề án kéo dài, chậm, chưa được chưa được giải quyết kịp thời, một số án bị hủy sửa. Theo đại biểu Duy Hữu, đây là lỗi từ quy định của pháp luật, các Bộ Luật tố tụng hiện nay không còn phù hợp. Đại biểu đoàn Đắk Lắk kiến nghị Quốc hội khóa XV sẽ nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung các luật về tố tụng…
Liên quan đến hoạt động của VKSND, một số đại biểu đề nghị ngành kiểm sát cần chú ý khắc phục những tồn tại như vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của VKSND.
Bên cạnh đó, số vụ tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà viện kiểm sát chấp nhận còn khá lớn, trong đó có nhiều trường hợp tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tội phạm mới, điều này phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong các vụ án này còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ của 2 cơ quan VKSNDTC và TANDTC về kiến thức xã hội; cần quan tâm hơn về phòng chống tội phạm ma túy, lừa đảo trên mạng xã hội, tín dụng đen...
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV
Hiểu Lam