Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều nội dung được các đại biểu dành nhiều sự quan tâm như kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản kê khai không trung thực và mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước...
Trông vào một luật thì không ăn thua
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, có sự nhầm lẫn xung quanh ý kiến cho rằng cần phải mở rộng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.
“Khi xem xét lại các quy định của Bộ luật Hình sự quy định về nhóm tham nhũng tôi cũng đã giật mình và cho rằng chúng ta cũng đã có sự nhầm lẫn. Nhóm tham nhũng trong đó hối lộ và nhận hối lộ, nhưng theo quy định của luật hiện hành cũng như của dự thảo tại Điều 3 chúng ta thấy rằng chủ thể phải là chủ thể đặc biệt. Không thể đưa một chủ thể không có giá trị đặc biệt này vào hành vi tham nhũng được”, đại biểu Nhưỡng nói.
|
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
Ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn ví dụ, một người dùng tiền để chạy chức cho con mình, chạy quyền cho con trai mình. Anh ta phạm tội hối lộ là rõ ràng, nhưng nói anh ta tham nhũng có vẻ xã hội không công nhận. Người nhận hối lộ đó chính là người tham nhũng, bởi vì có chức, có quyền. Chúng ta không thể chấp nhận một chủ thể không có giá trị để gọi là tham nhũng và đưa cho họ một danh hiệu cao quý là họ tham nhũng, rất rõ ràng chỗ này.
“Hiện nay trong khu vực công nhà nước không thể chống được, bây giờ mở ra khu vực ngoài thì lấy đâu công sức, lấy đâu nguồn lực để làm. Liệu chúng ta có thể làm được không, hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai, dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri”, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết và đề nghị cân nhắc, đồng thời cho rằng, nên tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công.
“Chống tham nhũng không phải sử dụng con dao là Luật Phòng, chống tham nhũng này được. Đây không phải con dao duy nhất để phòng, chống tham nhũng. Chúng ta có rất nhiều luật để phòng, chống tham nhũng, trong đó có Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Hành chính, Luật Đầu tư công... nếu chỉ trông vào một luật này thì không hiệu lực”, ông Nhưỡng nói.
Trừng trị thật nghiêm khắc thì sẽ không dám làm liều
“Để không thể chạy chức chạy quyền phải đặt ra quy định với từng chức danh có định lượng cụ thể, có trách nhiệm và hình phạt thì những người bất tài vô hạnh nhìn thấy mà không với tới, không nhảy qua vì nhảy qua là rơi xuống bẫy pháp luật. Phải có hình phạt trừng trị nghiêm khắc đối với quy trình cán bộ từ tiến cử, đề cử, thẩm định, bổ nhiệm cán bộ. Nếu trừng trị thật nghiêm khắc sẽ "cả kinh thất sợ" mà không dám làm liều”, đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tranh luận.
Đại biểu Vân cho rằng, đừng nhầm lẫn luật này có sức mạnh để trừng trị tham nhũng, bởi vì các luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Dân sự đã có công cụ để trừng trị tham nhũng.
“Mục đích của đạo luật này là ngăn chặn, phòng ngừa, hỗ trợ cho các đạo luật khác trong chống tham nhũng và trong dự thảo luật lần này chỉ đưa ra có tính mục đích, tôi nghĩ rằng điều này không chuẩn. Phạm vi điều chỉnh của một đạo luật là giới hạn các quan hệ xã hội mà các quy định của đạo luật đó tác động đến”, ông Lê Thanh Vân nói.
Hải Ninh