Ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Xuất hiện ngày càng nhiều bệnh “sợ trách nhiệm” sau đại dịch
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho hay, đại dịch COVID-19 đi qua, bên cạnh những thắng lợi, còn để lại cho chúng ta nhiều điều để bàn, để suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi.
|
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp). Ảnh: QH. |
Sau đại dịch xuất hiện ngày càng nhiều và càng nặng hơn, căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, thụ động, dè chừng, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải quan tâm xem xét nhiều chiều.
Đại biểu Sáu cho hay, trong trường hợp pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý, tức là cái hợp lý và hợp pháp song hành mà không áp dụng là vô trách nhiệm. Nhưng có những lý do khiến cán bộ, công chức không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét làm cho cái hợp pháp thực sự là hợp tình và hợp lý.
Xác định trách nhiệm cần đặt trong bối cảnh lịch sử
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19, phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho hay, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội được triển khai trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường. Cùng với đó, những vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch đã và đang trong quá trình khắc phục, đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và trừng trị thích đáng những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng COVID để trục lợi.
|
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QH. |
Theo đại biểu, trong giám sát của Quốc hội, vấn đề trách nhiệm luôn được đề cao. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong huy động nguồn lực vào phòng chống COVID-19 cần đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục xác định cụ thể hóa chủ trương đã được Quốc hội yêu cầu tại Nghị quyết 80. Đó là đối với các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 đã được thực hiện theo các quy định Nghị quyết số 30, khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác chỉ cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định đặc thù quy định tại Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Do đó, cần có đánh giá một cách công tâm, khách quan, thấu tình, đạt lý đối với các sai phạm và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu trong chống dịch.
Có những vi phạm nếu chỉ căn cứ vào các quy định đơn thuần về trình tự, thủ tục và khách quan trong lúc nước sôi lửa bỏng thì chúng ta cần gói lại để hệ thống tiếp tục được vận hành và tiến lên phía trước. Với ý nghĩa là một cuộc đại tổng kết trong chống dịch, do đó, các bài học kinh nghiệm rất cần phải được làm rõ.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, tư tưởng, phương châm chỉ đạo đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất quán ngay từ đầu, đó là: Phòng, chống dịch theo hướng toàn dân, lấy người dân làm trung tâm và chủ thể phòng, chống dịch, sức khỏe và an toàn của người dân là trên hết, trước hết. Phương châm này cần phải được thể hiện rõ trong nghị quyết của Quốc hội.
“Với tinh thần đó, tôi đề nghị bổ sung vào nghị quyết của Quốc hội các bài học kinh nghiệm đã được khái quát từ 6 nhóm bài học kinh nghiệm đã được nêu tại Mục II của báo cáo để làm kim chỉ nam cho các tình huống có thể trong tương lai”, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan