Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023
Giá BĐS còn cao so với thu nhập của đa số người dân
Báo cáo cho hay, giai đoạn 2015-2021, thị trường BĐS phát triển sôi động, mạnh mẽ với nhiều nguồn cung, hình thành nhiều đô thị mới, có nhiều loại hình BĐS, như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel)...
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Ảnh: QH. |
Số lượng condotel, resort villa, officetel là rất lớn với gần 100.000 condotel, officetel do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và hàng chục nghìn condotel, officetel tại các dự án do các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thẩm định thiết kế cơ sở theo thẩm quyền.
Qua giám sát, đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường BĐS còn nhiều tồn tại, bất cập. Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân trong khi nhu cầu của người dân lớn.
Nhiều khu đô thị bị bỏ hoang. Giá BĐS tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại Hà Nội và TP HCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.
Dẫn báo cáo của UBND TP Hà Nội, đoàn Giám sát cho thấy phân khúc căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp chiếm đa số. Trong năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao, lượng giao dịch thấp, chỉ chiếm khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Giá nhà ở riêng lẻ vẫn duy trì ở mức cao và gần như không có giao dịch.
Báo cáo của UBND TPHCM cũng cho thấy, lượng giao dịch BĐS giảm sút mạnh, giá BĐS tăng không kiểm soát, mất cân đối giữa giá cả và giá trị.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS TPHCM cung cấp cho đoàn Giám sát, từ năm 2021, trên địa bàn TP không còn phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Giai đoạn này, số lượng lớn dự án BĐS nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, trong khi nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn. Điều này gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn và làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm.
BĐS du lịch, lưu trú (condotel, officetel) gần như “đóng băng” và vẫn tiếp tục gặp vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Các báo cáo cũng cho thấy Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc, đã xử lý 158 dự án. Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại, thực trạng phát triển các dự án BĐS tại Hà Nội rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này.
Tại TPHCM, có 220 dự án vướng mắc, có 30 dự án ngưng thi công, 56 dự án chưa thi công đều có thời gian dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2015 - 2020…
Có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng, tạo bong bóng BĐS
Góp ý liên quan đến việc giá BĐS tăng cao, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, nguyên nhân bên cạnh vướng về thể chế, chính sách thì có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích.
|
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam). Ảnh: QH. |
Theo đại biểu, chúng ta cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân.
Một trong những giải pháp giảm giá thị trường BĐS đó là trái phiếu BĐS. Hiện nay, trái phiếu BĐS phát hành ra với mức lãi suất 12-15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu bất động sản, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn.
"Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường BĐS, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho nhà nước và Nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ", đại biểu nêu ý kiến.
Vì vậy, theo đại biểu, thời gian tới thị trường BĐS chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường BĐS lành mạnh và đúng hướng.
Mai Loan