Trong phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8, đáng chú ý nhất là việc đại biểu tỉnh Hậu Giang - Nguyễn Thanh Thủy đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về đề xuất thực hành tiết kiệm trong sử dụng phương tiện di chuyển của cán bộ.
Nữ đại biểu Hậu Giang nói rằng, để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành có thông tin và dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình “Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt”.
Đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Trước câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thủy và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ông cho rằng đây cũng là một trong những đề xuất để Bộ GTVT nghiên cứu.
|
Nhiều xe công vẫn được sử dụng sai mục đích như dùng để đi đám cưới. |
“Nếu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang xung phong thì Bộ GTVT xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm. Sau khi thí điểm chủ tịch đi xe máy, giám đốc sở đi xe đạp, mô hình ở tỉnh Hậu Giang tốt thì nhân rộng ra chứ chưa thể áp dụng đại trà”, ông Thể nói.
Có thể đề xuất trên của nữ đại biểu Quốc hội xuất phát từ vụ việc một số cơ quan báo chí nêu trường hợp của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đi xe máy đến công sở, từ việc trước đây Bộ trưởng Bộ GTVT từng kêu gọi cán bộ ngành này đi xe buýt tới công sở và từ việc Giám đốc Sở GTVT TP HCM phát động phong trào cán bộ, công nhân viên chức đi xe đạp đến công sở hoặc đi họp.
Những đề xuất trên không phải là mới bởi tại nhiều đô thị trên thế giới như Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp) hay Bangkok (Thái Lan)…đã từng triển khai khi vận động giới công chức đi làm bằng phương tiện công cộng để giảm ùn tắc giao thông.
Và nếu triển khai được thì đó là những đề xuất không tồi khi cả nước hiện đang có gần 40.000 xe công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm và tổng hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm. Chưa kể đến số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng để sắm số lượng xe công theo tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc thực hiện theo mô hình “Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt” mà áp dụng đại trà trên cả nước thì ngoài việc khả thi nhất là tiết kiệm ngân sách thì thật khó mà khả thi, nhất là xét trên phương diện để giảm ùn tắc giao thông thì càng không thể khả thi.
Bởi với thực tế giao thông như ở Việt Nam hiện nay, để giảm bài toán ùn tắc cần rất nhiều những giải pháp như hạn chế xe cá nhân, tăng cường các phương tiện công cộng đến bài toán quy hoạch đô thị… Trong khi đó, khi hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được sự phát triển, khi hệ thống tàu điện trên cao vẫn chậm tiến độ, khi xe công cộng như xe buýt chưa đáp ứng được mong đợi, thì việc các lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Sở, Bộ trưởng đi phương tiện gì cũng không thể làm giảm ách tắc giao thông. Chưa kể đến việc, Chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp thậm chí đi ngược với đề án giảm thiểu xe máy đã được đề ra.
Điều người dân cần nhất thực tế không phải là việc Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở, ngành, Bộ trưởng…đi xe gì mà chính ở việc họ thực hiện chính sách khoán xe công như thế nào.
Bởi từ lâu việc khoán xe công được dư luận xã hội kỳ vọng là giải pháp minh bạch hóa việc sử dụng xe công, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của xe công là làm sao quản lý và sử dụng đúng mục đích, đối tượng và nên hướng dẫn để các địa phương có phương tiện giao thông phát triển như Hà Nội, TP.HCM... thực hiện khoán xe để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm cho ngân sách.
Trên thực tế, chủ trương khoán xe công đã được thực hiện và triển khai nhân rộng ra nhiều bộ ngành, một số địa phương từ năm 2015 đến nay.
Bước đầu cho thấy, việc khoán kinh phí sử dụng xe công, bước đầu cho thấy cơ chế khoán đã góp phần phần giảm xe công và giảm số lái xe hưởng lương từ ngân sách, từ đó tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, việc khoán xe công tưởng chừng như có thể tiết kiệm ngân sách một khoản lớn song kết quả chưa được như kỳ vọng.
Cụ thể, trong một báo cáo gửi Quốc hội vào hồi tháng 5/2018 về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2017 cho biết, năm 2017, số ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc, với tổng nguyên giá 2.265 tỷ đồng. Trong đó số xe mua mới là 1.081 chiếc, giá trị 1.030 tỷ đồng. Như vậy, dù thực hiện khoán xe công từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, số lượng xe công vẫn không giảm là bao nhiều, thậm chí ngân sách vẫn phải chi ra để mua xe mới.
Thực tế, vẫn còn quá nhiều bất cập trong quản lý xe công như tình trạng lạm dụng xe công, bất chấp các quy định hiện hành vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương như việc xe công đưa đón người không đủ tiêu chuẩn, xe công đi dự tiệc cưới, lễ hội, xe công vào tận sân bay đón người nhà lãnh đạo Bộ… Bởi vấn đề lớn nhất của xe công không phải là trang bị xe mà là sử dụng như thế nào? Đối tượng và mục đích sử dụng có đúng quy định hay không?
Do vậy, chưa cần đến mức Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc Sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt…chỉ cần lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc khoán xe công cũng như quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công để đạt mục tiêu giảm khoảng 1/2 lượng xe công trong mấy năm tới. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm các qui định về khoán kinh phí sử dụng xe công như vậy đã tiết kiệm cho ngân sách lắm rồi.
Dư luận cho rằng, nên đặt ra những câu hỏi chất vấn về việc khoán xe công thực hiện như thế nào rồi? Giải pháp nào để tăng hiệu quả như mục tiêu đề ra, chứ không phải những đề xuất không có tính khả thi, thậm chí có tư duy tụt lùi như thế thì bao giờ đất nước mới phát triển (?!)
Thiên Nga