Chiều 4/6, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững.
|
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: QH. |
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, hoạt động xuất khẩu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, thể hiện ở việc xuất siêu liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đồng thời trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới gây bất lợi cho vận tải hàng hóa quốc tế.
Bên cạnh đó dịch vụ logistics và năng lực vận tải trong nước còn hạn chế, vẫn phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên cước vận tải tăng cao, làm giá hàng hóa tăng theo, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu ý kiến.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp và người sản xuất ở trong nước cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh với các hàng ngoại nhập. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong hoạt động xuất khẩu trực tuyến thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. T
Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý hải quan; sửa đổi quy định miễn thuế GTGT; có cơ chế, chính sách khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp về sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ; khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xuất khẩu trực tuyến…
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá về phiên chất vấn chiều 4/6 của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Mai Loan. |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá, các câu hỏi của đại biểu đối với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn chiều nay phù hợp với thực tiễn. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm tới câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai.
Đại biểu Trần Hồng Ngân cho hay, từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng trên thị trường thế giới bị đứt gẫy, xung đột địa chính trị thế giới đã ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu gặp nhiều thách thức nhất định. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu giảm, nhưng những tháng đầu năm 2024 đã tăng trở lại.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng hơn 70%. Tuy nhiên, khu vực nội địa cũng có cải thiện đáng kể, nhất là xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chúng ta phải tạo một cơ chế để kết nối ngành công nghiệp trong nước cùng sự phát triển của khu vực FDI, khi đó mới hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn. Cho nên, phải sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ trong nước để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Ông Ngân cho hay, một điểm nữa cũng cần quan tâm, đó là hiện nay biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thời tiết cực đoan, thế giới hướng về phát triển xanh.
Đối với những hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, tiêu chí xanh đặt ra rất lớn. Cho nên, các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi nhanh sang phát triển xanh, thích ứng chuyển đổi số.
“Doanh nghiệp số và doanh nghiệp xanh là hai xu hướng mà doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta mới có đơn đặt hàng bền vững, nếu không sẽ chạy sang thị trường lân cận”, ông Diên nói,
Hơn nữa, theo ông Ngân, trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn ra phức tạp, chúng ta phải chú ý tới thị trường cận biên như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ... mới có khả năng giảm tác động đứt gẫy chuỗi cung ứng có khả năng xảy ra.
Cùng với đó, cần phải chú ý tới chất lượng hàng hóa về uy tín, thương hiệu, cần đăng ký thương hiệu quốc tế.
Từ những phân tích, đại biểu Trần Hoàng Ngân kỳ vọng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng như Bộ Công Thương sẽ đưa ra được những giải pháp để giải quyết những vấn đề trên.
Đặc biệt, trong các báo cáo gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường tăng lên. Năm 2020, mỗi tháng chỉ có 10 ngàn doanh nghiệp, năm 2021 là 12 ngàn, năm 2022 14 ngàn, năm 2023 là 19,5 ngàn doanh nghiệp. Số lượng này khá lớn.
“Tôi cho rằng, ngành Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước nên có một nghiên cứu đánh giá xem nguyên nhân nào dẫn tình trạng trên để có giải pháp thích ứng hỗ trợ đoanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Hồng Diên bày tỏ quan điểm.
Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho hay, không ít câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại biểu.
“Có một số nội dung Bộ trưởng cũng trả lời trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu, có những nội dung Bộ trưởng đưa ra những giải pháp để triển khai thực hiện theo ý kiến nêu ra của đại biểu Quốc hội, cũng có những giải pháp toàn diện, nhưng cũng có những giải pháp vẫn còn rất chung chung, chưa cụ thể, để giải quyết những vấn đề như vậy thì cần phải có những giải pháp cụ thể hơn”, đại biểu Dương Minh Ánh nói.
Mai Loan