Quy định nào dễ bị lợi dụng cho lợi ích nhóm?
Tại buổi thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã đưa ra yêu cầu giải trình liên quan đến giá và quyền lựa chọn SGK.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: QH. |
Về giá SGK, đại biểu Thúy cho biết, tại kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường vào chiều ngày 11/11/2022, đại biểu đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá SGK dưới hình thức khung giá, bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá.
Bộ trưởng, Trưởng ban Soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu, nguyên văn như sau:
“Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất hay, Bây giờ trong tư duy, chúng ta luôn luôn nghĩ đến quy định thế nào để giá không cao, nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp, khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp, hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này".
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, không thấy dự thảo phản ánh ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng, Trưởng ban Soạn thảo; cũng không thấy giải trình (dù báo cáo số 480 của UBTVQH tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật này dài 112 trang).
“Tôi tin rằng ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng trước Quốc hội đã thể hiện cách đánh giá vấn đề rất toàn diện, thấu đáo và sát thực tế. Nếu luật không quy định khung giá tối đa - tối thiểu, thì rồi đây Quốc hội sẽ thấy những lo ngại của Bộ trưởng trở thành hiện thực.
Nhưng nguyên nhân nào đã ngăn cản dự thảo Luật thể hiện ý kiến đúng đắn đó của Bộ trưởng? Phải chăng ở đâu đó có quan điểm khác với Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Kim Thúy, Nghị quyết 29 nêu yêu cầu “Đa dạng hoá tài liệu học tập”. Triển khai Nghị quyết của Trung ương, điểm g, khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 88 của Quốc hội (về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông) và điểm b, khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục đều quy định “thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK”.
Một vấn đề nữa, theo đại biểu, là Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn SGK cho “cơ sở giáo dục” mà cho UBND cấp tỉnh.
“Tôi cứ phân vân tự hỏi: Giữa quy định của Nghị quyết 88 và quy định của Luật Giáo dục, quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ “lợi ích nhóm” hơn?", đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu ý kiến.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK mà QH khóa 13 đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.
Còn trong trường hợp ngược lại, Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương.
“Không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau: một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK”, đại biểu Thúy nêu ý kiến đồng thời đề nghị cần giải trình, làm rõ những nội dung nêu trên.
Nên giao cho cơ sở giáo dục lựa chọn SGK
Trao đổi rõ thêm với PV bên hành lang Quốc hội về nội dung phát biểu trước nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, mục đích của Nghị quyết 88 là làm sao để người dạy, người học có được bộ SGK nhất. Vì thế, mới quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Nhưng khi ban hành Luật Giáo dục năm 2019 thì cơ quan soạn thảo là Bộ GD&ĐT muốn sửa lại là UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK, chứ không phải cơ sở giáo dục.
Khi thực hiện mới thấy, rõ ràng nếu hàng ngàn cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK, thì nhiều thầy cô giáo đam mê với công việc giảng dạy có thể được lựa chọn bài hay để dạy từ các bộ SGK khác nhau, miễn sao đạt được chất lượng giảng dạy tốt nhất.
“Ngoài ra, cứ hình dung, nếu hàng ngàn cơ sở giáo dục trong cả nước được lựa chọn SGK, một nhà xuất bản nào đó muốn vận động, lobby mua sách sẽ khó hơn đối với 63 tỉnh thành (mà cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT đóng vai trò tham mưu cho UBND tỉnh). Cho nên, tôi chỉ đặt câu hỏi: Giữa hai quy định đó, thì quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
Theo đại biểu Thúy, cần phải sửa Luật Giáo dục thống nhất với Nghị quyết 88, đó là giao cho cơ sở giáo dục lựa chọn SGK. Đây là phương án tốt nhất và cũng là điều mà rất nhiều giáo viên mong muốn, đã phản ánh tới đại biểu Quốc hội.
“Tôi nói với họ, hãy phản ánh với phòng giáo dục, với Sở hoặc với Hội đồng nhân dân nhưng họ nói muốn phản ánh với ĐH Quốc hội, muốn đưa vấn đề tới nghị trường, Tin nhắn có, gọi điện có, rất nhiều”, đại biểu Thúy cho hay.
Theo đại biểu Thúy, trong trường hợp sửa Luật Giáo dục khó hơn thì phải sửa thông tư 25 của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc lựa chọn SGK. Thông tư 25 tuy có hướng dẫn quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển SGK được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy. Thông tư cũng không hề quy định chế tài xử lý những hành vi tiêu cực hoặc vi phạm quyền dân chủ của cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách.
Còn một vấn đề nữa, đó là chi phí phát hành sách của các công ty con thuộc NXB Giáo dục Việt Nam rất cao, chi phí này nằm ở đâu, cũng phải cộng vào với giá thành phát hành sách, đây là điều cũng cần phải nói đến.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá sách đã kê khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc này có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6/2022, SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan