ĐBQH: Cần làm rõ định nghĩa Cơ quan quản lý giáo dục

Google News

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất, cần làm rõ hơn định nghĩa "Cơ quan quản lý giáo dục" là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hoặc các đơn vị chức năng thuộc Bộ, ngành.

Ngày 6/5, tiếp tục kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Nhà giáo.
DBQH: Can lam ro dinh nghia Co quan quan ly giao duc
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.
Tham gia góp ý vào luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, nội dung dự thảo đã bao quát tổng thể các vấn đề liên quan đến nhà giáo. Đồng thời, tin tưởng việc thống nhất đầu mối quản lý, giao ngành giáo dục chủ động tuyển dụng, sử dụng, đào tạo sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết được những "điểm nghẽn" về thừa thiếu cục bộ giáo viên và mất cân đối chất lượng giữa các vùng miền.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất hai nội dung cần tinh chỉnh. Thứ nhất, tại Khoản 3, Điều 4, cần làm rõ hơn định nghĩa "Cơ quan quản lý giáo dục" là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hoặc các đơn vị chức năng thuộc Bộ, ngành. Lý do, là mô hình chính quyền hiện chỉ có 3 cấp (Trung ương, tỉnh, cơ sở). Nếu theo dự thảo, đơn vị cấp xã cũng có thể chủ trì tuyển dụng (Điểm a, Khoản 2, Điều 14) sẽ gây bất cập do hạn chế về chuyên môn và không đồng bộ trong quy hoạch, sử dụng, điều động nhà giáo trong phạm vi toàn tỉnh.
Thứ hai, liên quan đến quản lý nhà giáo trong cơ sở giáo dục (Điều 43), đại biểu đề nghị, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập tự chủ hay không tự chủ trong việc thực hiện các nội dung quản lý tại Khoản 1 (bao gồm cả bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý). Đại biểu cho rằng thẩm quyền này phải thuộc cơ quan quản lý cấp trên theo quy định công tác cán bộ và để đảm bảo việc điều động, luân chuyển ngoài phạm vi đơn vị. Đồng thời, do mức độ tự chủ tài chính khác nhau (theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP), việc giao toàn bộ quyền cho đơn vị tự chủ là chưa rõ ràng. Vì vậy, nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp, giao quyền cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện.
Tại hội trường Diên Hồng, đại biểu đoàn Quảng Ninh cũng chia sẻ rất ấn tượng và đồng tình cao với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mời ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên hay họa sĩ giỏi dạy âm nhạc, thể dục thể thao hay vẽ cho học sinh.
"Đây như là lời chỉ đạo mở đường cho tư duy trong quản trị giáo dục. Việc hợp đồng với ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên, họa sĩ, giảng dạy các môn năng khiếu trong cơ sở giáo dục là cơ hội học sinh phát triển tài năng, năng khiếu, khắc phục khó khăn thiếu giáo viên năng khiếu hiện nay", đại biểu Hà nói.
Để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nữ đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề xuất, dự thảo luật Nhà giáo cần thiết kết một điều khoản khung liên quan tới việc này, đồng thời giao Chính phủ thực hiện.
Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hôm 3/5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Hôm trước làm việc với Bộ GD&ĐT tôi nói học hai buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Các đồng chí nói bây giờ phải cần thêm cả trăm nghìn giáo viên. Cái này không được máy móc. Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, ký hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế thôi, mời vận động viên. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ".
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: "Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ".
Thiên Tuấn