Mới đây, mạng xã hội đã lan truyền video 17 giây về việc một nam sinh bị vật nằm ngửa, bốn bạn giữ chân, một người nắm tay. Sau đó, 5 em này nâng bạn lên, liên tục thúc mạnh bộ phận nhạy cảm vào cột cờ trong sân trường. Mặc kệ nạn nhân tỏ ra đau đớn, khoảng 5- 6 nam sinh khác đứng xem, một em vỗ tay, không hề có hành vi ngăn chặn.
|
Hình ảnh nam sinh bị nhóm bạn thúc vùng nhạy cảm vào chân cột cờ trong sự đau đớn. Ảnh: Cắt từ clip. |
Vụ việc sau đó được xác minh xảy ra ở Trường THCS Hòa Nam (Ứng Hòa, Hà Nội). Nhận rõ tính nghiêm trọng của sự việc, nhà trường đã báo công an địa phương, phối hợp điều tra. 6 học sinh bị đình chỉ học, trong đó 1 em bị đình chỉ hai tuần do mắc nhiều lỗi hơn, 5 em còn lại bị đình chỉ một tuần.
Sự việc một lần nữa đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực học đường – nội dung mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 7/11 mới đây.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, sự việc trên là những hành vi vô cùng xấu. Lẽ ra, trước một sự việc như vậy, các em cần phải can ngăn, chứ không phải thể hiện sự vô cảm như vậy.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
“Tôi đã rùng mình khi xem clip này, không nghĩ các em còn nhỏ mà lại có hành vi như vậy. Tôi cho rằng, đây là một vấn nạn của xã hội. Điều đáng nói, bạo lực học đường, đánh hội đồng... không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà cả học sinh nữ cũng tham gia, nhiều trường hợp xé quần xé áo, xé cả áo dài, rất nhức nhối…”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, trong các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đã lên tiếng phản ánh về tình trạng bạo lực học đường. Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, tuy nhiên, tình hình không giảm mà ngày càng gia tăng. Đây là điều cần phải xem xét, đánh giá, xem nguyên nhân bắt nguồn từ đâu.
Hiện nay, nhiều em nhỏ đã được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh, dễ dàng tiếp cận với mạng internet, trong đó có cả những thông tin xấu, độc, kích động bạo lực. Theo ông Hòa, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, khi các em ở lứa tuổi chưa biết lọc thông tin, lại thích thể hiện bản thân.
Cùng với đó, trong trường học, cũng có những nhóm học sinh chưa ngoan, những em này dễ tụ tập, lôi kéo, có những hành vi bạo lực học đường.
Để ngăn chặn tình trạng trên, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục, uốn nắn về phẩm chất, lối sống, dạy các em biết thương yêu, đoàn kết, đùm bọc trong môi trường học đường cũng như ngoài xã hội.
Đối với nhà trường, cần chú ý tới những nhóm học sinh chưa ngoan, cần có sự quan tâm và các biện pháp uốn nắn, gièn giũa các em.
Đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong cũng phải phát huy vai trò của mình, giáo dục các thành viên của mình biết đoàn kết, thương yêu nhau.
Đối với những trang mạng xấu độc, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để những hình ảnh bạo lực kích động, ảnh hưởng xấu tới các em.
“Không chỉ là tình trạng bạo lực học đường, mà còn có rất nhiều những hành vi ở trẻ gây bức xúc trong xã hội như đi xe lạng lách, đánh võng, nói tục chửi bậy, thậm chí là hút chích... tôi cho rằng, cần phải có sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng để có thể kịp thời ngăn chặn. Tuổi các em lẽ ra phải rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội mà lại có những hành vi “lệch chuẩn” thì rất đáng báo động”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê mới cập nhật cho thấy, từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh.
Bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc về bạo lực học đường. Trong đó, có vụ nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học. Đặc biệt, số vụ có học sinh nữ tham gia nhiều hơn.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, một phần các hiệu trưởng cũng như giáo viên khi trực tiếp phát hiện tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Bên cạnh đó là vấn đề tâm sinh lý của lứa tuổi đang trưởng thành, ảnh hưởng của mạng xã hội, bộ phim có nội dung về bạo lực tập thể được đưa lên môi trường internet.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, đáng chú ý có nguyên nhân từ xung đột và bạo lực trong gia đình.
Hằng năm, có khoảng 220.000 vụ ly hôn, trong đó, 70-80% có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảnh báo, học sinh trong các gia đình đó có thể vừa là người chứng kiến bạo lực, vừa là đối tượng bị bạo lực, bị bỏ rơi.
Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực trong nhà trường chiếm tỷ lệ rất lớn. Việc ngăn chặn, giải quyết những vấn đề gia đình có vai trò rất quan trọng để đẩy lùi bạo lực học đường.
Gia đình là nơi vun đắp, nuôi dưỡng, góp phần hình thành nhân cách cho con trẻ. Mỗi thành viên cùng góp sức xây dựng hạnh phúc gia đình, để con em mình được lớn lên trong tình yêu thương, sự đùm bọc cũng là giúp các em tránh xa với bạo lực.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói về vấn nạn bạo lực học đường. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan