Hội đồng Anh vừa ra thông báo tạm hoãn tất cả kỳ thi IELTS tại Việt Nam từ 10/11 đến khi có thông báo mới. Thông tin này đang được quan tâm, đặc biệt khi nhiều trường đại học hiện nay ưu tiên hoặc kết hợp xét tuyển thẳng theo tiêu chí IELTS và nhiều ý kiến cho rằng đây là sự mất công bằng. Quan điểm của bà về việc này thế nào, thưa đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu?
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Tôi nghĩ rằng, nhân sự việc Hội đồng Anh ra thông báo tạm hoãn tất cả kỳ thi IELTS, ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT cần phải rà soát lại để có những điều chỉnh, xem lại cách tuyển sinh của các trường đại học. Việc xét tuyển ưu tiên chứng chỉ IELTS có những bất cập, trong đó, đặc biệt là có thể tạo ra sự mất công bằng đối với các em miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thực tế, điều kiện học tập của các học sinh nông thôn, miền núi có độ “chênh” so với học sinh thành thị. Ở những vùng này, không thể có các trung tâm ngoại ngữ lớn, các em cũng không có tiền để học các chứng chỉ ngoại ngữ đắt đỏ như IELTS.
Các trường đại học cũng cần phải xem xét lại phương thức tuyển sinh bằng IELTS, tránh thiệt thòi cho các học sinh nông thôn, miền núi.
Không chỉ với chứng chỉ tiếng Anh, mà việc dừng thi còn ở hàng loạt các chứng khác như tiếng Trung và tiếng Nhật... Và một trong những lý do mà nhiều đơn vị đưa ra, đó là để rà soát nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định của Bộ GD&ĐT về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, trong đó có yêu cầu về đảm bảo các yếu tố chất lượng, tránh việc gian lận. Bà có ý kiến gì về việc này?
Theo tôi nghĩ không chỉ IELTS mà còn nhiều các chương trình đào tạo tiếng Anh khác hiện nay đang “nở rộ” ở nước ta. Bộ GD&ĐT cần đánh giá những tác động của các chương trình đào tạo này tại Việt Nam. Và cũng phải đánh giá động cơ, tính chất, bản chất hoạt động của từng chương trình nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có IELTS.
Đặc biệt là sự minh bạch, khách quan. Theo đó, trong quá trình đào tạo, việc thi cử có thực hiện đúng các quy định về bảo đảm chất lượng hay không? Hiện nay, rất nhiều đơn vị đứng ra tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thi IELTS, phong trào luyện thi IELTS được ví như “cơn sốt”, nhiều trung tâm luyện thi đã đưa ra hàng loạt quảng cáo chào mời luyện thi IELTS… Việc rà soát này là điều hết sức cần thiết, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh.
Hiện nay, chất lượng học tiếng Anh trong các trường phổ thông cũng là vấn đề được nói tới nhiều. Nhiều năm liền, phổ điểm môn Tiếng Anh thấp. Theo bà, cần có giải pháp gì để có thể nâng cao chất lượng này?
Tôi cho rằng, ngay từ khâu thiết kế chương trình, rồi phương pháp đào tạo, chất lượng giáo viên… Bộ GD&ĐT cần đảm bảo cho tất cả học sinh có thể học tốt ngoại ngữ. Và không chỉ tiếng Anh, mà các ngoại ngữ khác như tiếng tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Lào… cũng cần phải được quan tâm. Bởi hội nhập quốc tế bắt buộc phải có ngoại ngữ.
Ngành giáo dục cũng cần có những hỗ trợ đối với những học sinh vùng nông thôn, miền núi, để nâng cao chất lượng môn học này.
Với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng có đam mê, có năng khiếu về ngoại ngữ… cũng cần được tạo điều kiện để các em có thể được phát triển một cách tốt nhất năng lực của mình, tránh thiệt thòi so với trẻ em thành phố.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ngay khi công bố, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ngày 26/7/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2022 đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Theo thông tư này, ở điều khoản về bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có quy định: Đề thi bảo đảm độ tin cậy, tính chính xác, khách quan, minh bạch, công bằng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh.
Các cơ sở tổ chức thi của Việt Nam cung cấp thông tin về các yếu tố bảo đảm chất lượng, trong đó có trang thông tin điện tử chính thức, hợp pháp cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác tổ chức thi, xác thực kết quả thi.
Trong trường hợp sử dụng cán bộ coi thi của cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam: mỗi phòng thi phải có ít nhất 1 cán bộ coi thi là giảng viên hoặc giáo viên, các cán bộ coi thi khác phải có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm để tổ chức thi nhiều yếu tố về phòng thi, có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi…
Trước những quy định này, nhiều đơn vị có liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đã lập đề án xin cấp phép. Tuy nhiên, theo cập nhật, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được sự cho phép chính thức của Bộ GD&ĐT.
Mời độc giả xem thêm video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế): Xét tuyển đại học bằng IELTS có nhiều bất cập.
Mai Loan