Thế là câu chuyện “dạy thêm - học thêm” lại được làm nóng trở lại bằng quyết tâm của Bí thư Đinh La Thăng, dù rằng Sài Gòn vào hè thời tiết cũng đã oi nồng.
Tôi nhớ lúc chị tôi vào ĐH. Ba muốn chị thi vào sư phạm, muốn con gái có một công việc ổn định và được trọng vọng. Ông hay lấy dì ra làm câu chuyện cho chị noi theo. Không những thế, ba còn khuyến khích thi vào các ngành: Toán, Lý, Hóa, Anh văn… để sau này đi dạy thêm cho dễ.
Và có lẽ, từ bao giờ trong suy nghĩ của đại bộ phận người dân nơi đây, những người phụ huynh, giáo viên thì dạy thêm đã là một câu chuyện thoát ra khỏi cái nghĩa đen đơn thuần của nó.
Tăng gia để đạt hiệu suất
Theo dòng thời sự, những ý kiến đôi bên trong câu chuyện "dạy thêm - học thêm" râm ran suốt mấy ngày qua, tôi có ghi nhận một chia sẻ của một cô giáo về áp lực hoàn thành chương trình, giúp học sinh sẵn sàng cho thi cử.
Số tiết dạy trên trường chưa thể đảm bảo hết kiến thức từ sách giáo khoa, rồi còn kiến thức mở rộng cho việc thi cử nặng nề. Bởi vậy, những giờ học thêm là cần thiết cho học sinh - hay nói cách khác nó như một hình thức "tăng gia" cho đạt hiệu suất và công việc được hoàn thành một cách tốt nhất.
|
Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh căng thẳng, nhiều học sinh phải học thêm. |
Tôi nghĩ nó nằm ở một số lý do.
Đầu tiên là mối ưu tiên của giáo viên dành cho thời gian lên lớp hay thời gian dạy thêm ở nhà.
Thời gian hạn hẹp, chương trình yêu cầu nhiều, dạy trên lớp cũng phải đuổi cho kịp giáo án. Thêm vào đó, lớp học sĩ số đông, khiến cho người giáo viên không thể nào sâu sát với trò. Lương bổng lại là chuyện rất thực tế, giáo viên cũng phải lao mình với cuộc sống mưu sinh, với những giờ dạy liên tục bất kể thời gian.
Thứ hai có thể nói đến quan điểm của phụ huynh - một tác nhân mạnh mẽ đẩy đến vấn nạn "dạy thêm, học thêm".
Tôi đã chứng kiến rất nhiều phụ huynh đẩy con mình làm việc không ngừng nghỉ chỉ vì muốn cho bằng chúng bạn. Chưa kể, cái mối lo "bị cô đì" ăn sâu trong ý thức hệ của người dân, có ý thức của những người lúc nào cũng cảm giác mình bị phụ thuộc, phải phục tùng cho một bộ phân nào đó. Tôi từng nghe một cô giáo già chia sẻ, cô muốn nghỉ lắm mà phụ huynh thì cứ nài ép…
Chẳng biết ai vui, cơ mà thấy học sinh thì cực quá! Nguy hiểm hơn, cái tư tưởng ấy lan dần sang cả bọn trẻ. Chẳng hiểu sao nó lại cảm thấy thiệt thòi hơn so với chúng bạn vì không được học nhà cô A, cô B. Rồi cũng có phụ huynh chọn việc học thêm như là một giải pháp cho thời gian chăm sóc con cái của mình.
Và phần thứ ba, có lẽ không thể nào thiếu đó là từ cơ quan quản lý, đơn vị chủ quản. Lần nào cũng sẽ như nhau, các vị đều có những lý do cơ bản "Cải thiện đời sống giáo viên làm sao trong khi quỹ lương lại eo hẹp?".
Rồi thì "bệnh thành tích". Cao hơn nữa là vấn đề xây dựng và quản lý chương trình đào tạo; phải cởi bỏ đi thật nhiều nút thắt đang hàng ngày trói buộc thầy cô, phụ huynh và chính bản thân các em học sinh.
Một nền giáo dục nhân bản
Trong nhiều lý lẽ trái chiều, tôi chẳng nghĩ bài viết này sẽ bênh vực ai. Chỉ mong các vị phụ huynh, quý thầy cô giáo, các nhà giáo dục hãy nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và suy xét. Xin hãy đặt chữ "Tâm" vào chính vấn đề - tôi nghĩ rất là hệ trọng này.
Giáo dục cần đưa ra các mục tiêu mang tính chuẩn mực chứ không phải đào tạo thiên tài, vì không có nền giáo dục nào có thể đào tạo ra thiên tài. Trong đó, mục đích quan trọng nhất là giúp học sinh hình thành nhân cách tốt, trung thực, sống có trách nhiệm với đồng loại, yêu thiên nhiên, tuân thủ pháp luật.
Các nước phương Tây đã chú trọng đến vấn đề nền tảng này từ lâu.
Tôi đã từng mắt tròn mắt dẹt khi tụi bạn nước ngoài phải vất vả lắm mới giải được các phương trình bậc 2, bậc 3. Chẳng phải trình độ thấp kém gì, nhưng trong chương trình phổ thông họ chưa học, hay nói cách khác là không cần học.
Nhưng bù lại, những kiến thức xã hội, đời sống, ngay cả những môn kinh tế cơ bản thìđã được tiếp xúc ở phổ thông, và đó là những kiến thức mà ngược lại đám sinh viên Việt Nam chúng tôi phải chào thua.
Học cũng là một hình thái lao động, nó cũng gây mệt mỏi, căng thẳng không khác những lao động khác.
Sau thời gian học quy định, học sinh phải được tận hưởng cuộc sống của mình.
Trong quá trình dạy học, nếu phát hiện những học sinh có năng lực đặc biệt thì cần hỗ trợ riêng để phát triển thật tốt năng khiếu sở trường. Đó mới là nền giáo dục nhân bản.
Tôi lại nhớ về những người giáo viên thời thơ ấu. Ngày học một buổi, buổi còn lại tự học, làm công việc nhà, vui chơi với chúng bạn, có thêm nhiều kỹ năng… Đến mùa thi thầy trò tập hợp nhau lại ôn tập.
Chúng tôi đã có những năm tháng đi học cực kỳ hạnh phúc và ý nghĩa.
Quý vị phụ huynh hãy nên tìm cho con em mình những người bạn, người hướng dẫn, đồng hành thật sự trong đời sống chứ đừng quấn lấy con trẻ trong mớ kiến thức đầy mộng mị hoặc những bảng điểm hoành tráng sau này chẳng biết đi về đâu.
Theo Vietnamnet