Sáng 28/12, tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị “Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ”, do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Tham dự buổi lễ có TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ông Nguyễn Thế Cường, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; Tạ Bá Hưng, Ban quản lý dự án FIRST, Bộ khoa học và công nghệ; ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó Chủ tịch thường trực LHH Hà Tĩnh; ông Trần Đắc Hiếu, Vụ Trưởng Vụ tổ chức – cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Đại Hưng, Hội Vật lý Việt Nam cùng đông đông đảo các đại biểu khác.
|
Toàn cảnh Hội nghị “Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ”. |
Hội nghị diễn ra nhằm cung cấp thông tin cho các hội thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về các chủ trương, chính sách thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện nay của Đảng và Nhà Nhà nước; Thảo luận các hình thức, biện pháp và kế hoạch hành động cụ thể nhằm xây dựng công tác về chương trình công tác về thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm đã có của các hội thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong công tác thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài.
|
Ông Nguyễn Thế Cường (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Thế Cường (Bộ Ngoại giao) – cho biết: “Theo ước tính, hiện nay có gần 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN trung bình chiếm khoảng 10% - 15% cộng đồng hơn 4,5 triệu NVNONN. Trong đó, trình độ chuyên gia, trí thức có trình độ đại học trở lên tập trung chủ yếu ở Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Nhật, Đức, Nga… Bên cạnh đó, du học sinh cũng là một nguồn bổ sung cho lượng trí thức NVNONN. Tính đến năm 2012, có khoảng hơn 100.000 lưu học sinh Việt Nam ở 49 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt các chuyên gia, trí thức NVNONN làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau…”.
Ông Cường cho hay, do Việt Nam còn gặp phải nhiều hạn chế và bất cập trong công tác vận động trí thức NVNONN nên hàng năm trung bình có khoảng 300 lượt trí thức NVNONN về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu về triển khai khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Trong đó, 55% chuyên gia, trí thức NVNONN về làm việc với cơ quan Nhà nước, 45% tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu.
Từ những phân tích thực trạng Việt Nam hiện nay và nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ là NVNONN, đại diện Trần Đức Hiếu (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất: Thiết lập mạng lưới chuyên gia KH&CN là NVNONN; Có chính sách đãi ngộ đột phá và đồng bộ về lương, phụ cấp, thủ tục xuất nhập cảnh và cư trú, ngoại hối, thuế và chi phí, về nhà ở, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho nhà khoa học và gia đình, tôn vinh và bảo vệ quần lợi chính đáng của nhà khoa học; Tạo môi trường làm việc trong nước thuận lợi cho trí thức KH&CN khi trở về nước; Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích nhà khoa học giỏi là NVNONN đảm nhiệm chức lãnh đạo tổ chức KH&CN hoặc thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt quan trọng; Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa chính sách thu hút với chính sách sử dụng trí thức KH&CN; Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động trí thức NVNONN, nhất là trí thức trẻ…
Trí thức NVNONN là bộ phận quan trọng trong cộng đồng NVNONN, có ảnh hưởng to lớn, nhiều mặt tới sự phát triển của cộng đồng cũng như quan hệ của cộng đồng với đất nước; được coi là một nguồn lực quý giá góp phần xây dựng đất nước.
Linh Anh