Dạy học thời nay: Giáo viên nơm nớp sợ... phụ huynh!

Google News

Không ít giáo viên chỉ vì sơ xuất, hay vi phạm lỗi đã nhận phải hình thức kỷ luật nặng, thậm chí không có cơ hội sửa sai vì bị sa thải.

Nỗi ám ảnh mang tên phụ huynh
Chia sẻ nỗi niềm về việc dạy học trong những năm qua, cô N.T.Hoa (đang dạy học một trường mầm non công lập ở Hà Nội) cho biết, bây giờ do nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nên mong muốn và đòi hỏi của phụ huynh cũng tăng lên. Nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng còn thiếu thốn… Nhiều khi nghĩ bởi trót yêu và đam mê với nghề nên trụ lại. bởi áp lực công việc ngày một tăng do số trẻ mỗi lớp tăng lên, số lượng giáo viên cũng chỉ 2 - 3 giáo viên một lớp 50 - 60 trẻ. Nhưng sợ nhất vẫn là áp lực từ các bậc phụ huynh, luôn có định kiến và ác cảm với các giáo viên không tốt với con em họ.
Cô Hoa kể: “Mỗi ngày một cô phải lo ăn ngủ, dạy cho các con… mệt nhoài, buổi trưa chỉ dám thay phiên nhau chợp mắt một chút. Nhưng mỗi buổi chiều trả trẻ, lại nơm nớp lo lắng, không biết phụ huynh có phật lòng gì không? Vì lớp học đông, không tránh được các con cào nhau, cắn nhau hoặc bị ngã. Nhìn phụ huynh đón con hỏi dò, rồi vạch tay, áo ra xem có xước xát gì không, lòng tôi như quặn lại. Chẳng may con xước xát, phụ huynh có thái độ thô lỗ ngay, lúc ấy chỉ biết nín lặng giải thích, không ít lần phụ huynh nghĩ là cô đánh. Tối về nhà thi thoảng lại nghe điện thoại của phụ huynh hỏi han, trách móc vì con kể thế này, con bị thế kia”.
Day hoc thoi nay Giao vien nom nop so... phu huynh
Nghề giáo viên hiện nay ngày càng áp lực. Ảnh minh họa: Q.Anh 
Cùng chung nỗi niềm, cô T.T.Thảo, giáo viên tiểu học (ở quận Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: “Phụ huynh đa phần quan tâm tới việc học tập của con, trân trọng các giáo viên. Tuy nhiên, cũng có nhiều bậc phụ huynh phần vì bận việc, phần vì quan tâm quá mức mà gây áp lực lên giáo viên. Hơi chút là gọi điện thắc mắc, thậm chí dọa dẫm, đòi kiện cáo giáo viên. Thú thật, bây giờ nhiều giáo viên cảm thấy sợ học sinh, sợ phụ huynh. Bởi vậy, trên lớp không dám nhờ vả chứ đừng nói đến quát mắng. Ra bài, chấm bài cũng hết sức thận trọng, chẳng may sai chút là phụ huynh đưa lên Facebook, dư luận chế giễu giáo viên, nhà trường”.
Thời gian qua, câu chuyện về giáo viên bỏ việc, hay bị đuổi việc nguyên nhân cũng từ áp lực trong quá trình dạy học. Không ít giáo viên nuốt nước mắt ngậm ngùi xa trường, lớp chỉ vì hành vi bộc phát như mắng, chửi, tát… học sinh. Sau khi sự việc xảy ra hầu hết những giáo viên này đều nhận ra việc làm sai trái, muốn có cơ hội để được làm lại. Tuy nhiên, dường như dư luận đã quá khắt khe, vì thế người giáo viên phạm lỗi đã không còn cơ hội để sửa sai.
Yêu nghề cũng khó trụ
Cho rằng nghề giáo là một trong những nghề bị xã hội “soi” nhiều nhất, TS tâm lý Đinh Đoàn cho biết, có một thực tế hiện nay ai cũng đã từng đi học, có người thầy, người cô của mình... Nghề giáo là nghề cao quý và từ xưa đã được “yêu” nhiều nên xã hội ngày nay đòi hỏi ở người giáo viên những điều khắt khe hơn. Ở một nghề nghiệp khác, người ta có thể tát, mắng nhân viên của mình nhưng giáo viên mà đánh học sinh, dù cả hai đều sai trái nhưng giáo viên vẫn đối diện với án kỷ luật nặng và bị xã hội lên án gay gắt.
“So với các ngành nghề khác dù lương thấp nhưng giáo viên không dám kêu, chê đồng lương. Giáo viên hiện nay còn chịu áp lực từ những yêu cầu cao của nhà trường và chương trình giáo dục cứng nhắc vẫn đang được duy trì. Một số phụ huynh rất qua loa khi giáo viên nhận xét về con qua sổ liên lạc. Nhưng khi có chuyện gì xảy ra với con, có những phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân đã tin ngay lời con nói mà quy trách nhiệm cho giáo viên. Thậm chí, có phụ huynh đã làm đơn tập thể kiện giáo viên, yêu cầu nhà trường đổi người dạy khác, điều này cũng khiến giáo viên buồn và bức xúc”, TS Đinh Đoàn chia sẻ.
Chia sẻ một phần nguyên nhân khiến sinh viên hiện nay không mặn mà tới ngành Sư phạm, TS Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước cho biết: “Hiện nay, có một thực tế đáng báo động đó là việc dư thừa giáo viên, nguyên nhân là do sinh viên ra trường khó xin việc, công việc áp lực, lương thấp. Điều này dẫn đến các trường khó thu hút người học”.
Nhiều nhà quản lý giáo dục chia sẻ, hiện nay do đặc thù của nghề giáo viên ngày càng đòi hỏi yêu cầu về trình độ, chuyên môn. Giáo viên còn chịu nhiều áp lực do thực tiễn đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Bên cạnh đó, ngoài giờ dạy học, giáo viên các bậc phổ thông còn thêm các công việc soạn giáo án, chấm bài, nhận xét học sinh. Chia sẻ, phối hợp giữa gia đình và nhà trường sẽ có kết quả giáo dục tốt nhất. Vì vậy, nên có những chế độ về lương, thưởng thỏa đáng hơn để thu hút những giáo viên yêu nghề.

Thảo luận về hỗ trợ giáo dục mầm non tại kỳ họp HĐND TP HCM chiều 7/12, một đại biểu cho rằng: “Đây là một trong những nghề nặng nhọc nên thành phố thiếu giáo viên trầm trọng. Tôi vừa tham gia một hội thảo về chủ đề này, người ta đã thống kê công việc của một người nuôi dạy trẻ còn nặng nhọc hơn thợ hồ nhưng tiền lương thì không tương xứng. Hầu hết giáo viên mầm non là nữ giới, làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Thành phố nên có những chế độ về lương, thưởng thỏa đáng hơn để thu hút, giữ chân được giáo viên mầm non”.

>>> Mời quý độc giả xem video về tuyển sinh quân sự (nguồn VTV):
Theo Quang Anh/Giadinh.net