Trở lại Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa sau hơn 2 tháng kể từ vụ nổ kinh hoàng cướp đi 6 sinh mạng, dường như mùi thuốc súng vẫn còn ám ảnh từng người dân nơi đây
Nửa quả đạn và 6 mạng người
Ngày 26-10, ông Nguyễn Hữu Thơ, Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã có kết quả điều tra vụ nổ xảy ra ngày 18-8 khiến 6 người thiệt mạng, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân chính là do nổ đạn pháo 105 mm. Quả đạn này đã được người dân cưa ra thành 2 phần, khi dùng đục lấy thuốc súng ở phần đuôi thì xảy ra vụ nổ.
"Khi tôi đến hiện trường cảnh tượng rất đau thương. Mỗi người bay mỗi nơi. Da thịt cháy sạm. Khi đó mọi người nghĩ do cưa bom nhưng sau này mới biết là nổ thuốc súng vì thân thể mọi người còn nguyên vẹn. Chỉ nổ phía đuôi quả đạn đã gây ra cái chết của 6 người, nếu nổ cả quả thì độ tang thương còn lớn hơn" - ông Thơ thở dài.
Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn, 6 người chết tại chỗ đều trong một gia đình gồm: Anh Bo Bo Xếp (SN 1982) và em cùng cha khác mẹ là Cao Thị Thanh Vân (SN 2007) và Cao Hồng Phi (SN 2014); 2 con trai anh Xếp là Mấu Minh Ngữ (SN 2014) và Mấu Minh Nghĩa (SN 2008); ông Mấu Quốc Dương (SN 1957 - cha vợ của anh Xếp). Còn ông Bo Bo Sượng (SN 1962, cha anh Xếp) bị thương nặng phải cưa 2 chân và hỏng 2 mắt.
|
Bà Cao Thị Dinh đang chăm sóc ông Bo Bo Sượng bị cụt 2 chân, mù 2 mắt sau vụ nổ đạn. |
Ngồi bên thềm nhà, bà Cao Thị Dinh (vợ ông Sượng) đưa đôi mắt vô hồn nhìn ra bầu trời xám xịt, đang giăng mưa não nề. Vụ nổ cướp đi sinh mạng 2 đứa con và để lại cho bà người chồng tật nguyền. Nhắc đến con, bà không cầm được nước mắt. Căn gác nhỏ, nơi 2 con ngủ, được bà giữ nguyên.
Đau xót không kém là chị Mấu Thị Khuyển. Chị mất chồng, 2 con và cả cha ruột. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, căn nhà từng một thời đầm ấm đó bị chính tay chị đập nát, chỉ còn mỗi nền nhà. Chị Khuyển thuê người đào một hố lớn chôn toàn bộ gạch đá xuống. "Cả nhà chết hết. Có ai ở đâu mà để căn nhà lại làm gì" - chị Khuyển buồn bã cho biết.
Ông Mấu Ni, em ruột ông Mấu Quốc Dương, ngồi thẫn thờ nhìn cháu gái phá căn nhà mà rưng rưng nước mắt: "Cháu tôi sốc quá mà. Để căn nhà lại chỉ thêm buồn. Chi bằng đập đi…".
Một cán bộ của thị trấn Tô Hạp cho biết khi vụ nổ xảy ra, chị Khuyển cùng con trai lớn là cháu Mấu Hồng Trần đi rẫy nên thoát nạn. Cháu Trần đang học lớp 9 nội trú một mực đòi bỏ học về với mẹ. Cán bộ huyện phải đến vận động nhiều lần, chính quyền trao thêm học bổng để giúp cháu an tâm trở lại trường.
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM VIDEO:
Mách bạn "chiêu" sống sót trước một vụ nổ lựu đạn (Nguồn: Làm Thế Nào):
Bom, đạn đâu phải trò đùa
Người sống sót duy nhất trong vụ nổ là ông Bo Bo Sượng nằm trong phòng thở dài: "Tôi thà chết còn hơn chứ sống thế này đau xót quá. Con chết, cháu chết, mình thì cụt chân, mù mắt... rẫy cà phê, rẫy mía bây giờ phải dựa vào vợ, đau khổ dằn vặt quá".
Ông Sượng kể khi cha con ông làm rẫy thì cuốc trúng quả đạn nên mang về bàn nhau cưa ra lấy sắt làm cuốc, thuổng. "Trước đây trên rẫy đạn nhiều lắm, người ta rà lấy bán hết. Mình cũng theo người ta xem cưa bom đạn nhiều lần mà thấy không sao hết. Mình với con cũng cưa thử mấy quả rồi. Đến quả này chủ quan nên mới chết hết" - ông Sượng ăn năn.
|
Chị Mấu Thị Khuyển tự tay san phẳng nhà của mình sau cái chết của chồng con. |
Theo ông Sượng, trước giờ việc rà mìn chủ yếu bán sắt vụn chứ chưa thấy công an, bộ đội nói cho bà con biết rõ tác hại. Sau vụ việc của gia đình thì người dân trong vùng mới biết sợ. Ông Mấu Hồng, hàng xóm anh Xếp, cho biết: "Sau vụ nổ, người dân ai cũng khiếp đảm. Không ngờ hậu quả ghê gớm như vậy. Tôi chứng kiến mà chân tay bủn rủn".
Cấp xã chưa sâu sát
Theo Ban Chỉ đạo vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ huyện Khánh Sơn, 6 tháng đầu năm 2017, ban đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, trong đó vận động 9 cá nhân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; vận động 12 cá nhân cá biệt để cung cấp thông tin về vật liệu nổ. Qua đó thu hồi hàng chục quả đạn pháo, bom bi, đạn B40, M79… Tuy vậy, ban này đánh giá ở cấp xã, thị trấn vẫn chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát việc tuyên truyền, thu hồi vũ khí, vật liện nổ đến người dân.
Không phải vì nghèo đói
Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, cho biết chính quyền thường xuyên tuyên truyền cho người dân tác hại của bom mìn, đề nghị bà con hợp tác để thu hồi. Tuy nhiên, người dân cưa đạn lén lút phía sau nhà rất khó phát hiện. Sau vụ việc của ông Sượng, nhiều người đã cảnh giác hơn; chủ động gọi cơ quan chức năng đến thu hồi bom, mìn còn sót.
Đặt vấn đề vì người dân nghèo đói mới dẫn đến việc cưa bom đạn, ông Thái cho biết các nạn nhân đều thuộc hộ nghèo người đồng bào Raglai. "Nếu nói là đói thì tôi nghĩ không phải, vì chính quyền đã quan tâm hỗ trợ xây nhà, mua bảo hiểm y tế, trợ cấp gạo hằng năm,… Dù vậy, đời sống người dân đúng là vẫn rất khó khăn. Còn giá trị của quả đạn khi bán sắt vụn thì không được bao nhiêu, cả thị trấn này cũng không có vựa ve chai nào. Tôi nghĩ là sự hiếu kỳ, tò mò nên mới dẫn đến hậu quả như vậy".
Theo Kỳ Nam/NLĐ