Dự kiến 8 giờ sáng 28/12, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và các bị cáo trong vụ án MobiFone - AVG. Pháp Luật TP.HCM điểm lại một số diễn biến đáng chú ý của phiên xử này.
“Mật hóa cả một giao dịch”
Trong vụ án này, MobiFone tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Tại tòa, luật sư của MobiFone đã chỉ ra những điều “bất thường” trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. “Mật hóa cả một giao dịch là lần đầu tiên xảy ra, chưa từng có tiền lệ” - vị luật sư cho rằng đây là điểm mấu chốt. “Các anh chị ở MobiFone thậm chí không dám đưa tài liệu cho luật sư nếu không có ý kiến của HĐTV vì tài liệu mật” - luật sư nói.
Theo vị luật sư này, MobiFone tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông vào tháng 12-2014. Sau đó, đầu năm 2015, MobiFone có chiến lược mở rộng kinh doanh về truyền hình. Đây là chiến lược thực hiện trong vòng năm năm. Vậy mà dự án MobiFone mua cổ phần AVG, từ khi có chủ trương tới khi thứ trưởng Bộ TT&TT khi đó là ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt và chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án chỉ được thực hiện trong một năm.
Tại tòa, các bị cáo đều cho rằng việc triển khai một dự án với quy mô lớn như vậy là điều mới mẻ ngay cả với Bộ TT&TT cũng như MobiFone. “Mới thì vì sao phải thúc ép thực hiện trong năm? Đó là tính chất bất thường. Còn những bất thường khác tôi không dám trình bày” - luật sư nói.
Cũng tại tòa, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên nói: “Người ta chia nhỏ công việc, người ta để dự án mật và đưa ra các mục tiêu vì sự phát triển của doanh nghiệp, xây dựng mục tiêu đạt doanh thu 5 tỉ USD... Với những mục tiêu cao cả ấy, những người yêu MobiFone không nắm được thông tin chi tiết về vụ việc. Việc phân chia nhỏ để không ai thấy bức tranh toàn cảnh của vụ việc này để có ý kiến phản đối kiên quyết”.
Phó tổng giám đốc MobiFone Nguyễn Mạnh Hùng cho hay suốt 26 năm làm việc, ông chưa từng tham gia một dự án nào đóng dấu mật. “Điều này mang tính quyết định, khiến chúng tôi không biết làm thế nào, chúng tôi muốn phản biện nhưng không đủ cơ sở để đưa ra đánh giá khách quan”.
|
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. |
Hành xử kỳ lạ của ông Son tại tòa
Trong phần xét hỏi, HĐXX hỏi cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nhận bao nhiêu tiền sau thương vụ mua bán AVG. Ông Son đáp: “Tôi không nhận bất cứ khoản tiền nào”. Sau đó ông tiếp tục phủ nhận mọi lời khai của mình tại CQĐT, về việc ông nhận hối lộ 3 triệu USD từ cựu chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ. “Lúc đó tôi bị hoảng loạn nên khai như vậy” - ông giải thích tại tòa.
Tuy nhiên, đầu giờ chiều cùng ngày, ông Son lại thay đổi lời khai, xin giữ lời khai tại CQĐT, thừa nhận đã nhận hối lộ. Khác chăng là lần này ông Son khai không đưa tiền cho con gái mà giữ để tiêu dùng cá nhân. Khi đại diện VKS hỏi ông đã sử dụng số tiền 3 triệu USD vào việc gì, ông Son trả lời không nhớ.
Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa, cựu bộ trưởng một lần nữa xác nhận “giữ nguyên câu trả lời đã nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ”. Tuy nhiên, một luật sư bào chữa khác đặt câu hỏi: “CQĐT có tổ chức thực nghiệm điều tra không? Ông khai cất 3 triệu USD trong hai chiếc valy, valy đó ai mua, vào thời điểm nào?”, ông Son đều xin phép không trả lời.
Cựu bộ trưởng sau đó đã đề nghị luật sư không bào chữa cho ông về hành vi nhận hối lộ.
Trong phần tự bào chữa, ông Son thừa nhận tổng quan cáo trạng truy tố ông là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, ông xin trình bày những chi tiết cụ thể, để có tình tiết giảm nhẹ cho ông trong gần 90 phút. Nói lời sau cùng hôm 24-12, ông Son đã xin lỗi HĐXX và VKS vì “trong lúc nào đó đã không vượt qua được chính mình, tại phiên tòa ngày 17-12, bị cáo đã thay đổi chính lời khai của mình trong quá trình điều tra”.
Nhiều tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ
Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ vắng mặt phần lớn trong suốt tám ngày xét xử. HĐXX cho biết vì lý do sức khỏe, ông Vũ đang phải nằm bệnh viện và đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa, kể cả khi tuyên án.
Đáng chú ý khi nói lời sau cùng, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã “thiết tha đề nghị HĐXX khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ”. Còn cựu thành viên HĐTV MobiFone Hồ Tuấn nhận xét ông Vũ “là người có trách nhiệm, tín nghĩa, đàng hoàng và tử tế”.
Tương tự, cựu phó tổng giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh khi nói lời sau cùng cũng cám ơn ông Vũ đã chủ động cùng MobiFone chấm dứt hợp đồng, tự nguyện hoàn trả toàn bộ giá trị hợp đồng cũng như toàn bộ chi phí liên quan đến thương vụ này.
Tại tòa, luật sư của ông Vũ cho biết đã có gần 2.000 cá nhân (trong đó có nhiều cá nhân có uy tín cả trong và ngoài nước) và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận xin khoan hồng cho bị cáo Vũ.
Hai kỷ lục của vụ án MobiFone - AVG
Thu hồi toàn bộ số tiền thiệt hại: Cuối năm 2015, MobiFone ký thỏa thuận và hợp đồng mua 95% cổ phần của AVG. Theo cáo trạng, thương vụ này đã khiến MobiFone bị thiệt hại gần 6.600 tỉ đồng.
Ngày 16-4-2018, ông Phạm Nhật Vũ, đại diện cho các cổ đông AVG, đã ký văn bản hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần với MobiFone. Sau đó MobiFone đã nhận số tiền gần 8.800 tỉ đồng (bao gồm các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán). Như vậy thiệt hại của vụ án đã được khắc phục hoàn toàn.
Số tiền đưa, nhận hối lộ lớn kỷ lục: Hồ sơ vụ án thể hiện cựu chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ đã đưa hối lộ cho cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, cựu chủ tịch HĐTV MobiFone 2,5 triệu USD, cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải 700.000 USD và ông Trương Minh Tuấn (khi đó là thứ trưởng Bộ TT&TT) 200.000 USD. Như vậy tổng số tiền ông Vũ hối lộ các quan chức Bộ TT&TT và hai lãnh đạo cấp cao MobiFone là trên 136 tỉ đồng.
Theo Đức Minh/Plo