Tàu chở container mang tên
Vinalines RUBY vốn là tài sản của Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), thế chấp cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Đông Bắc để vay vốn.
Tuy nhiên, khi Vinalines không thể thanh toán, VDB Đông Bắc thông qua Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) bán đấu giá tàu Vinalines RUBY để thu hồi vốn. Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) là đơn vị được lựa chọn để tiến hành đấu giá tàu Vinalines RUBY.
Tuy nhiên, cuộc đấu giá tàu Vinalines RUBY còn rất nhiều vấn đề, khi có đến 7 đơn vị tham gia đấu giá phản ánh Công ty Thăng Long đã có sự thiếu minh bạch trong công tác bảo vệ hòm phiếu và niêm phong hòm phiếu, dẫn đến việc xuất hiện đơn vị thứ 8 là Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An trúng đấu giá vào ngày 26/4, dù không có mặt trong buổi bỏ phiếu ngày 24/4/2019.
|
Tàu Vinalines RuBy, tài sản được mang đấu giá trong ngày 24/4/2019. |
Trao đổi với PV Kiến Thức xung quanh câu chuyện này, (luật sư Bùi Khắc Toản, giám đốc Công ty luật 4.1 - Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có những nhận định về vụ việc.
Theo luật sư Toản, nguyên tắc của đấu giá tài sản là phải đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Mặt khác, theo quy định tại Điều 40 luật Đấu giá tài sản thì “Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”.
Như vậy, nếu không thực hiện trình tự này, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, trong trường hợp này là tài sản Nhà nước (tàu Vinalines Ruby).
Hơn nữa, trường hợp Công ty Hải An không tham gia buổi đấu giá trực tiếp ngày 24/4/4029 (theo phản ánh của 7 doanh nghiệp) nhưng đến ngày 26/4 lại xuất hiện phiếu bỏ giá tại buổi công bố kết quả trúng thầu thì đó là điều hết sức bất thường.
Công ty Hải An nếu tham gia đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, thì phiếu trả giá đươc gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu được niêm phong ngay khi hết thời hạn nhận phiếu (ngày 24/4-PV), nguyên tắc là những người tham gia đấu giá phải biết và giám sát.
|
Luật sư Bùi Khắc Toản. |
“Nếu chứng minh được hành vi gian dối, có dấu hiệu vụ lợi đó, có thể khẳng định việc Hội đồng đấu giá không thực hiện đúng theo các quy định. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, luật sư Toản cho biết
Cùng quan điểm với luật sư Bùi Khắc Toản, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty luật Đại Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đặt câu hỏi: Ở đây, theo phản ánh của 7 đơn vị tham gia đấu giá ngày 24/4/2019 thì đúng là quy trình đấu giá có vấn đề,có dấu hiệu của việc gian dối, vi phạm Luật đấu giá, đơn vị thứ 8 ở đâu ra khi bên không tham gia thì lại là người thắng cuộc ?
Mặt khác, nếu bên tổ chức đấu giá (Công ty Thăng Long) chưa chứng minh được việc Công ty Hải An thực hiện việc đóng tiền bảo lãnh tại ngân hàng trước phiên đấu giá thì câu chuyện Công ty Hải An thắng cuộc đấu giá tàu Vinalines RUBY là sai luôn cả về mặt quy trình.
“Sự việc này dẫn đến hậu quả là xâm hại quyền lợi của 7 đơn vị tham gia đấu giá hôm 24/4 đó. Nếu 7 doanh nghiệp kia chứng minh được và có những bằng chứng xác đáng, họ có quyền tố cáo công ty tổ chức đấu giá, yêu cầu đền bù thiệt hại về thời gian, công sức, đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt và thu hồi giấy phép hoạt động”, luật sư Tuấn tiếp lời.
|
Biển bản mở niêm phong tài sản ngày 26/4/2019 và ý kiến phản đối của 7 đơn vị tham gia đấu giá ngày 24/4/2019 (Ảnh do các đơn vị cung cấp) |
Được biết, ngày 26/4/2019, Công ty CP đấu giá và thương mại Thăng Long đã tổ chức buổi đấu giá con tàu Vinalines RUBY. Theo đó, đơn vị trúng giá là Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An.
Tuy nhiên, theo đại diện một số đơn vị tham gia đấu giá, quy trình đấu giá đang có nhiều dấu hiệu bất thường, không minh bạch. Theo đó, nhiều đơn vị đang làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ sự việc.
Trong đó, nổi bật nhất là sự việc tại buổi bỏ phiếu đấu giá ngày 24/4/2019, sau khi hết hạn thì chỉ có 7 đơn vị bỏ phiếu , bao gồm: Công ty TNHH sản xuất dây đồng Phúc Kiên, Công ty CP sản xuất và thương mại thép HPS, Công ty TNHH vận tải biển Ngôi Sao, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thái Anh, Công ty Minh Chí, Công ty TNHH thương mại SHT và Công ty TNHH thương mại du lịch và bất động sản Phú Vinh. Trong buổi đấu giá đó, không thấy sự xuất hiện của Công ty Hải An.
Tuy nhiên, đến hôm 26/4/2019, sau khi nghe đại diện của Công ty CP đấu giá và thương mại Thăng Long thông báo là có 8 đơn vị tham gia bỏ phiếu, nhiều đơn vị đã vô cùng bất ngờ vì không hiểu tại sao lại “mọc” ra Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An?
Hơn nữa, việc Công ty CP vận tải và xếp dỡ Hải An trở thành đơn vị trúng giá lại càng khiến cho nhiều đơn vị nghi ngờ có sự thông đồng trong việc đấu giá.
Mời quý vị độc giả xem video: Bài học xương máu từ các đại án tham nhũng Vinashin, Vinalines
Công ty Thăng Long có phớt lờ quy định trong Luật đấu giá khi mà không chỉ 1 mà tận 7 đơn vị có ý kiến về niêm phong của hòm phiếu, nhưng vẫn tiến hành bóc niêm phong và công bố kết quả đấu giá? Trong khi việc niêm phong hòm phiếu là để tránh xuất hiện có đơn vị “móc nối” bỏ phiếu sau khi hết thời hạn nhận phiếu, dẫn đến việc thay đổi kết quả đấu giá, đảm bảo sự công bằng, minh bạch .
Mặt khác, Điều 6 Quy chế đấu giá tài sản do Công ty Thăng Long đặt ra cũng quy định các bên "không tranh luận với hội đồng bán đấu giá với bất kỳ lý do nào" - vậy trường hợp Công ty Thăng Long cố tình làm sai thì cũng không đơn vị tham gia đấu giá nào được phép có ý kiến?
PV Kiến Thức đã đặt lịch làm việc và chở câu trả lời chính thức từ Công ty CP đấu giá và thương mại Thăng Long.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Hải