Dư luận đang đặt dấu hỏi (?!) về việc Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn có dấu hiệu “qua mặt ngân hàng”, cũng như các doanh nghiệp tham gia đấu giá dự án Khu dân cư Hòa Lân (TX Thuận An, Bình Dương) gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp có tài sản, cũng như việc thu hồi vốn cho ngân hàng thì trách nhiệm của công ty sẽ thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng Văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư Hà Nội) đã có những phân tích và nhận định xung quanh vụ việc.
|
Dự án Khu dân cư Hòa Lân trong thương vụ đấu giá đầy khuất tất. |
Đã hình thành hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
- Thưa luật sư, rất nhiều lần Công ty đấu giá Nam sài gòn không cung cấp đúng thông tin cho Agribank về đơn vị tham gia đấu thầu. Hành vi này có vi phạm quy định pháp luật? nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Việc Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng 10/2915/ĐGNSG với Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn - số 150 đường số 9, khu phố 1, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM) bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án Khu dân cư Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng. Công ty Nam Sài Gòn đã nhiều lần đẩy lùi các phiên đấu giá lên đến 12 lần và lần thứ 12 mới thực hiện được.
Được biết các lần đấu giá trước Agribank đều nhận được công văn trả lời của Công ty Nam Sài Gòn về việc không có khách hàng nào tham gia. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra số 62/KLTTr của Bộ Tư pháp ngày 24/12/2018 về việc chấp hành các qui định của pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản đối với Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, thì tại phiên thông báo bán đấu giá lần 3, ngày 16/10/2015, có Công ty Hoà Bình Xanh ở 211/31 Huỳnh Văn Luỹ (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tham gia đấu giá, nhưng ngày 10/11/2015 Công ty đấu giá Nam Sài Gòn lại có công văn thông báo cho Agribank Chợ Lớn biết không có khách hàng nào tham gia.
Tương tự, tại phiên thông báo bán đấu giá lần 6, ngày 10/5/2016, Công ty Hòa An Lộc (số 70 Nguyễn Văn Thành, TP Thủ Dầu Một) nộp đơn đăng ký mua tài sản bán đấu giá, nhưng ngày 23/5/2016, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn vẫn thông báo cho Agribank Chợ Lớn không có khách hàng tham gia…?
Mặt khác, với các lần tiến hành buổi đấu giá đều được điều chỉnh giảm xuống từ 2% lần 2; 5% lần 3; 10% lần 4; 10% lần 5; 10% lần 7; 3% lần 8 và 1% lần 9 khiến tài sản định giá để bán từ 1.467,7 tỷ đồng chỉ còn 1.070 tỷ đồng; tới phiên thông báo lần thứ 10 chỉ còn 963 tỷ đồng và lần thứ 11 chỉ còn có 900 tỷ đồng.
Công ty Nam Sài Gòn đã nhiều lần đưa ra những thông tin rằng các lần mở phiên đấu giá đều không có khách hàng tham gia, nhưng theo Agribank thì bên họ nhận được thông tin các lần đó đều có các công ty đăng ký tham gia đấu thầu.
Như vậy, với hành vi nhiều lần đưa ra những thông tin giả về đơn vị tham gia đấu thầu cho Agribank nhằm việc giảm giá trị cần đấu thầu để chiếm đoạt số tiền theo định giá ban đầu Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS 1999.
“Theo Điều 139 BLHS 1999 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo định khung cơ bản”, - luật sư Hòe trích dẫn.
- Quan điểm của luật sư về việc Công ty đấu giá Nam sài gòn cố tình "qua mặt" Agribank để kéo dài phiên đấu giá. Liệu có sự bắt tay giữa Công ty đấu giá Nam sài gòn và các công ty tham gia đấu giá? Công ty đấu giá Nam sài gòn có vi phạm quy định về đấu giá?
Theo như quy định của Luật đấu giá tại điểm b, khoản 2 Điều 9 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi tiến hành đấu giá tài sản: Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các hành vi “Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản”.
Trong trường hợp, nếu Công ty Nam Sài Gòn có dấu hiệu về hành vi móc nối với các công ty trong việc tổ chức phiên đấu giá thì hành vi của hai Công ty này đã vi phạm điều cấm của luật Đấu giá 2016 tại khoản 2 Điều 9 của luật này.
Nếu có vi phạm, thì tại nội dung Điều 9 của luật quy định thì cả hai Công ty sẽ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 69 Luật Đấu giá 2016.
- Trong sự việc, rõ ràng Công ty A Đông Hải (Công ty Kim Oanh) không đủ năng lực để đảm nhận gói thầu. Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán hết số tiền thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9, khoản 2 Điều 24, khoản 3 Điều 65 hoặc quy định khác của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại phiên thông báo đấu giá lần thứ 12, ngày 28/4/2017, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn thông báo có 3 khách hàng đăng ký đấu giá và đã nộp 96,3 tỷ (đặt trước 10% giá trị tài sản đấu giá) gồm; Thủ Đức House, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM (gọi tắt là Công ty Kim Oanh, trước đây có tên là Công ty TNHH xây dựng A Đông Hải) và Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình.
Trong đó, duy nhất có Thủ Đức House đáp ứng rõ nhất yêu cầu của Agribank Chợ Lớn là cam kết trả tiền ngay theo đúng quy định sau khi đấu giá (nếu trúng). Hai công ty còn lại dù đã đóng tiền đặt trước 10% nhưng hồ sơ không thể hiện việc trả ngay hay trả dần cho Agribank Chợ Lớn biết.
Tuy nhiên, sau khi Công ty A Đông Hải trúng thầu thì mãi đến tháng 11/2018 Công ty này mới chỉ thanh toán được 847,8 tỷ đồng cho Agribank Chợ Lớn (chưa bằng số tiền đấu giá khởi điểm) và còn nợ 478 tỷ đồng cùng lãi chậm trả 8% tính từ ngày 5/9/2017.
Như vậy, xét về hồ sơ đấu thấu thì Công ty Thủ Đức House có đủ năng lực và điều kiện đấu thầu hơn so với Công ty A Đông Nam mà Agribank đề ra.
Ngày 23/10/2018, Công ty A Đông Nam có gửi công văn số 929/2018/CV.KOTCM về việc thanh toán số tiền còn lại. Trong trường hợp mà Công ty A Đông Nam không thanh toán nợ như đã cam kết trước khi đấu thầu cũng như các lần gửi công văn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS 1999.
- Trong vụ việc này, Agribank có trách nhiệm như thế nào? Trường hợp Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán hết số tiền thì Aribank sẽ thiệt hại ra sao? Nhà nước ảnh hưởng thế nào từ vụ việc trên?
Trong vụ việc này Agribank có trách nhiệm thu hồi số tiền còn lại và lãi suất chậm trả của Công ty Kim Oanh để đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Nếu Công ty Kim Oanh không có khả năng thanh toán hết số tiền cho Agribank thì Công ty Kim Oanh có thể sẽ bị mất số tiền đặt cọc, các khoản vi phạm khác theo nội dung hợp đồng giữa Agribank và Công ty Kim Oanh sau khi trúng đấu giá và bị hủy kết quả đấu giá theo Điều 72 Luật đấu giá: “… Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản…”. Như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến Agribank khi tồn đọng nợ xấu và quyền lợi của nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Ngân