Đấu giá biển số xe: Làm sao để tránh trục lợi, lợi ích nhóm?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Bộ Công an thực hiện đấu giá biển số xe không chỉ góp phần tăng thu cho ngân sách, tăng đầu tư cho lực lượng Cảnh sát giao thông, mà còn hạn chế tiêu cực phát sinh, tạo công khai, minh bạch.

Từ nhiều năm qua, đề án đấu giá biển số xe được đưa ra tranh luận rất sôi nổi từ nghị trường cho đến trên các diễn đàn báo chí, mạng xã hội. Đa phần ý kiến đều ủng hộ đề án đấu giá biển số xe đẹp, biển số theo nguyện vọng, mong muốn cá nhân. Qua đó, nhà nước có thể tăng thêm 1 nguồn ngân sách đáng kể. Quan trọng nhất là minh bạch, công khai công bằng hoạt động cấp biển, tránh trục lợi, lợi ích nhóm từ việc cấp biển số. 
Sở dĩ người dân đặt ra nghi vấn tiêu cực trong việc cấp biển số xe vì có một thực tế khi đi trên đường, chúng ta thường xuyên bắt gặp những chiếc xe sang giá bạc tỷ có những biển số "siêu đẹp". Trong khi đó việc bấm biển hiện giờ là ngẫu nhiên. Sự trùng hợp 1 cách kỳ lạ giữa xe sang đi liền với biển đẹp là một câu hỏi mà nhiều người khó lý giải. Vì vậy, đề án đấu giá xe khi đề xuất nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ nhân dân. 
Dau gia bien so xe: Lam sao de tranh truc loi, loi ich nhom?
Đấu giá biển số xe nhận được sự đồng thuận từ nhân dân.
Với nhiều người, biển số xe không dừng lại ở con số gắn với tài sản bình thường mà còn là vấn đề tâm linh, tính ngưỡng và sở thích của một số cá nhân. Họ cho rằng những con số đẹp sẽ đem lại may mắn nên sẵn sàng bỏ chi phí để sở hữu những biển số theo ý muốn. 
Việc đấu giá tuy được người dân ủng hộ, song cũng nhiều ý kiến lo ngại về việc liệu có xảy ra trục lợi, lợi ích nhóm khi tiến hành đấu giá biển số hay không? 
Trả lời 1 phần cho câu hỏi này, mới đây trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nêu Chính phủ sẽ quy định đấu giá biển số thông qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp, hoạt động độc lập theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai và tránh tiêu cực. Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cho biết, nhiều đoàn công tác của Bộ Công an đã được lập, tìm hiểu quy định tại nhiều nước như Mỹ, Nga, Thái Lan, Nhật Bản... Kết quả cho thấy một số nước cho người dân tự chọn biển số xe trong danh sách theo sở thích và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định, hoặc tổ chức đấu giá. Cơ quan đăng ký, cấp biển số xe cũng là nơi tổ chức đấu giá biển số xe, thông qua hệ thống phần mềm quản lý và bán đấu giá trên internet.
Đến nay, Chính phủ khẳng định việc đấu giá biển số xe đã có đầy đủ căn cứ pháp lý, phù hợp, đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành.
Trong đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công. Nghị định 151 nêu rõ kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý nhà nước.
"Như vậy, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công", báo cáo của Chính phủ nêu. Ngoài ra, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định bán tài sản công phải thông qua đấu giá.
Dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này, tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào chiều 16/11.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc đấu giá biển số xe cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản.
“Biển số xe khi thực hiện việc cấp qua đấu giá, tức là người dân phải bỏ tiền ra để sở hữu thì cần được coi là tài sản sở hữu vĩnh viễn của họ. Khi không có nhu cầu sử dụng, họ có quyền chuyển nhượng cho người khác”- luật sư Bùi Đình Ứng phân tích.
Luật sư Bùi Đình Ứng nhận định: "Từ đó, theo chuyên gia pháp lý này, biển số xe qua đấu giá cần quy định chi tiết đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật. Điều đó sẽ giúp người trúng đấu giá biển số xe có quyền được sở hữu, định đoạt như mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, thế chấp biển số xe theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Nếu các vấn đề pháp lý liên quan đến việc sở hữu biển số xe qua đấu giá được quy định rõ ràng, được luật hóa thì sẽ tránh được những bất cập phát sinh về sau.’’
Trước đây, Bộ Công an đã hai lần báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho phép đấu giá, thu lệ phí cấp biển số xe tự chọn. Đó là năm 1993, Bộ Công an chỉ đạo Công an thành phố Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn.
Lần thứ hai là năm 2008, khi công an một số địa phương như Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La cũng báo cáo, xin ý kiến Bộ về việc đấu giá biển số xe.
Tuy nhiên, qua hai lần thí điểm việc đấu giá biển số xe và cấp biển số xe theo sở thích, hoạt động này phải tạm dừng do các thời điểm nêu trên còn vướng về cơ sở pháp lý.
>>>Xem thêm Video: Biên phòng đề xuất lắp camera bảo vệ biên giới

Nguồn: Truyền hình Pháp Luật Việt Nam


Sông Thao