Dấu ấn sự lãnh đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng

Google News

Dấu ấn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Mùa xuân năm 2023 với dấu mốc 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) – một chặng đường đầy vẻ vang, hào hùng, khẳng định vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.
Hơn 35 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, lập nên nhiều kỳ tích. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Dau an su lanh dao cua Dang trong phong, chong tham nhung
Ảnh minh họa. 
Bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực
Có được thành tựu to lớn như trên, một nguyên nhân quan trọng, Đảng ta luôn tự đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng – đây được xem là nhiệm vụ then chốt mang ý nghĩa sống còn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam từng viết: "Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình…rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Thực tế đã minh chứng, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều chú trọng những giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những năm qua, Đảng ta đã có những bước đột phá quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm siết lại kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Ban Nội chính Trung ương cũng được thành lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí…Đây là những bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Kết quả điều tra dư luận xã hội mới đây cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhìn lại chặng đường 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng kể từ khi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng được thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản của Trung ương, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo, thực hiện một cách hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào." Kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.
Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 đã nêu rõ: “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ”.
Trong giai đoạn này đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trong đó, có đến 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022 đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng. 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 ủy viên Bộ Chính trị, 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...)
Ngay trong năm 2022, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được chú trọng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tích cực tập trung “luật hóa” đường lối chủ trương của Đảng ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ tính riêng năm 2022, có đến 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật ; cho thôi giữ chức vụ 5 Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII); 2 Phó thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương…
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, bộ máy, nâng cao sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng.
Trong số đó, không ít vụ án tham nhũng, kinh tế hết sức khó, phức tạp thuộc lĩnh vực nhạy cảm trong diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như vụ Vạn Thịnh Phát, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh…Hay như vụ án có quy mô lớn như Cục lãnh sự, Việt Á từ cán bộ cấp Trung ương đến địa phương với nhiều tỉnh, thành vượt ra khỏi cả lãnh thổ Việt Nam, liên quan đến nhiều bộ, ban ngành…
“Trên dưới, đồng lòng, dọc ngang thông suốt”
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng chống tham nhũng có thêm một bước tiến mới.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có thể được xem như là “cánh tay nối dài của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề tồn đọng, kéo dài gây bức xúc dư luận ở địa phương. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Đến nay, 63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để khắc phục tình trạng "Trên nóng, dưới lạnh", "trên quyết liệt, dưới tê liệt"... mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh. Đáng chú ý là 40% các vụ tham nhũng chính là do các địa phương cùng đồng loạt tham gia.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Quảng Ninh... Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Mới đây, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong đó khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”.
Để thực hiện được việc này đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, gửi đi thông điệp: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”. “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV1


Tâm Đức