Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Đồng Nai) cho hay, sẽ làm sáng rõ và xử lý dứt điểm thông tin người dân tố cáo công ty AB Mauri gây ô nhiễm môi trường vào sáng nay, 31/5.
Theo ông, ngoài các thành phần tham dự đoàn liên ngành thực hiện khai quật để tìm đường ống xả thải trái phép như người dân tố cáo, sẽ mời người dân xã La Ngà (huyện Định Quán) đến tham dự chứng kiến; công khai các hiện trạng công trình môi trường, nhất là 3 bể chứa nước trong nhà máy; tổ chức cho người dân đi xem các công trình xử lý chất thải của AB Mauri…
|
Cá chết trên sông La Ngà vào chiều 16/5 |
Trường hợp tìm được đường ống xả thải chôn lấp trong lòng đất như người dân phản ánh, ông Toàn cho biết, sẽ căn cứ các quy định của pháp luật để xử lý công ty AB Mauri.
Về kết luận nguyên nhân cá chết trắng sông La Ngà, ông Toàn khẳng định, Sở NN&PTNT đang tập hợp nội dung để báo cáo UBND tỉnh.
Trả lời câu hỏi tại sao không dùng phương pháp siêu âm để tìm đường ống được cho là chôn giấu trong lòng đất, Chi cục trưởng cho biết, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam (Bộ TN&MT) sẽ có hướng dẫn.
|
Khu vực xả thải của công ty AB Mauri |
“Chúng tôi sẽ cho đào từ vị trí hàng rào dẫn tới mép sông La Ngà, dự kiến đào sâu khoảng 3m, bề ngang khu đất này rộng khoảng hơn 100m từ hệ thống xử lý nước thải giáp ranh với khu đất tiếp nối ra sông La Ngà” - ông Toàn nói.
Trong trường hợp không có đường ống như người dân tố cáo, ông Toàn cho biết, sẽ có câu trả lời cụ thể vào hôm nay.
“Khi người dân tố cáo, chúng tôi tính sẽ làm theo quy trình tiếp nhận xử lý đơn thư tố cáo. Nhưng khi đơn tố cáo được đăng tải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, công ty AB Mauri có văn bản xin được khai quật để làm rõ nội dung đơn tố cáo nên UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo", ông thông tin.
Ông Toàn cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai nhận được đơn tố cáo về đường ống xả thải chôn lấp trong lòng đất.
“Năm 2011, người dân tố cáo có đường ống xả thải ngầm từ nhà máy chính nối với khu vực xử lý chất thải của AB Mauri. Khi đó, đã khai quật một lần, biên bản lúc đó xác nhận là không có. Còn đơn tố cáo lần này, lần đầu tiên chúng tôi nhận được liên quan đến nội dung đấu nối từ khu vực xả thải ra sông La Ngà.
Tôi sẽ yêu cầu công ty công khai tất cả các vấn đề mà người ta quan tâm. Chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm lần này” - ông Toàn thông tin.
Ông Trần Phong - Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam cho hay, Cục đã cử cán bộ tham gia buổi khai quật thực địa để tìm đường ống xả thải được người dân tố cáo là chôn lấp trong lòng đất.
Bộ trưởng TN&MT yêu cầu rà lại toàn bộ nguồn xả thải ra sông La Ngà
Bên hành lang QH chiều qua, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ với VietNamNet, hiện nay chưa có đánh giá nguyên nhân cá chết trắng trên sông La Ngà do mưa lớn hay do điều gì khác.
|
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Ngọc Thắng |
"Muốn có cơ sở kết luận, từ hiện tượng cá chết phải rà soát lại toàn bộ nguồn xả thải. Mưa lớn thì cũng phải từ đâu ô nhiễm chảy xuống, tất nhiên cũng không loại trừ nếu trong trường hợp mưa, nồng độ PH trong nước mưa cao cũng có thể xảy ra tình trạng cá sốc nhưng phải đánh giá kỹ mới đưa ra kết luận rõ", Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho hay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo làm rõ việc này. Hiện Bộ đã giao cho Cục Kiểm tra môi trường miền Nam thanh tra các cơ sở xả thải gần khu vực cá chết một lần nữa.
Vì đây là thanh tra đột xuất đặc biệt chứ không phải thanh tra định kỳ nên không thể xác định được thời gian thanh tra kéo dài trong bao lâu, nếu cần thiết có thể gia hạn thêm để đánh giá đầy đủ.
"Khó khăn nhất hiện nay là làm sao đánh giá lại các nguồn xả thải, tất nhiên nguồn xả hiện nay có rồi nhưng để tiến hành xem xét cả trước cả sau khi sự việc cá chết xảy ra đòi hỏi mất nhiều thời gian", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
"1.000 tấn cá chết ở Đồng Nai do mưa lớn, mật độ nuôi dày"
Ngày 27/5, thông tin trên báo chí, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết cá bè chết trắng trên sông La Ngà do thiên tai, phủ nhận việc xả thải gây ô nhiễm.
"Vào mùa này, nước sông La Ngà xuống thấp, khi mưa lớn đổ xuống, nhiều tạp chất, rác thải từ thượng nguồn đổ về cộng với mật độ nuôi dày khiến lượng oxy thiếu hụt dẫn đến cá chết hàng loạt" - ông Chánh nói.
Theo Thái Bình - Thu Hằng/ Vietnamnet