Từ đầu năm 2018 đến nay, dư luận cả nước không khỏi xôn xao, chấn động trước hàng loạt vụ đánh ghen tàn bạo liên tiếp xảy ra.
Một điểm chung của những vụ đánh ghen, các đối tượng tham gia thường lựa chọn các nơi công cộng, đông người tụ tập để xé áo, xát ớt vào vùng kín, hoặc lột sạch quần áo, cắt tóc tình địch rất dã man…
Để rộng đường dư luận, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) về vấn đề đang gây nhức nhối dư luận.
|
Hình ảnh Thượng úy Nguyễn Văn Thi (công tác tại Trại giam Cái Tàu, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) và “bồ nhí” - bà T.H.P. (29 tuổi), là cán bộ của ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bị vợ - Nguyễn Thị Diệu đánh ghen tàn bạo ở Cà Mau gây chấn động dư luận trong tháng 5/2018 vừa qua. |
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, do các số liệu chưa kiểm chứng nên chưa thể khẳng định các vụ đánh ghen thời gian gần đây có phải gia tăng hay không? Tuy nhiên với cảm giác và qua số lượt những vụ đánh ghen được tung lên mạng xã hội có thể thấy rõ mức độ đậm đặc hơn, tỉ suất tăng lên nhiều hơn.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích, nguyên nhân đánh ghen là do đạo đức xã hội xuống cấp. Mặt khác, là do mức độ tăng trưởng của kinh tế xã hội đã kéo theo những thuộc tính đi kèm không mong muốn tăng lên như; ấu dâm, thú vui bệnh hoạn, ăn chơi, hưởng lạc không lành mạnh…, nên người ta ngoại tình và xảy ra các vụ đánh ghen.
Đề cập đến những người bị đánh ghen chủ yếu là phụ nữ, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng do đặc tính về giới. Bởi đàn ông đánh ghen kiểu hạ thủ nhanh, mang tính chất “hoành tráng”, còn phụ nữ hay thích làm om xòm nên những người bị đánh chủ yếu là phụ nữ.
“Chuyện đánh ghen không phải điều hay ho, người ta có thể đối thoại với nhau. Nếu không đối thoại với nhau có thể nhờ đến pháp luật. Một khi đã xung đột thì không thể hàn gắn được, tình yêu không còn không nên níu giữ, đó mới triệt tiêu được câu chuyện ghen tuông”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ thêm.
Mạng xã hội có đang cổ vũ cho chuyện đánh ghen?
"Chuyện ghen tuông từ cổ xưa đến nay đều đã rất rõ. Tuy nhiên, do thời buổi hiện nay có sự bùng nổ công nghệ thông tin, sự ra đời của các trang mạng xã hội thu hút rất đông người dùng, mức độ lan tỏa rộng rãi, điển hình là facebook nên những người đánh ghen chọn mạng xã hội để đưa thông tin như vậy nhằm hạ nhục người khác", PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, những người đưa hình ảnh đánh ghen lên mạng xã hội đều nhận thức được hậu quả chứ không phải là tình cờ. Họ đưa lên như vậy, còn với mục cảnh tỉnh, răn đe, ra oai, đồng thời muốn khẳng định bản thân của mình.
Nói về mạng xã hội có đang cổ vũ cho hiện tượng đánh ghen hay không? PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ: “Mạng xã hội không cổ vũ điều gì cho câu chuyện đánh ghen. Trong xã hội hiện nay, mạng xã hội chỉ đóng vai trò tương tác, truyền tải các thông tin liên quan đến vấn đề rất nhanh. Tất cả những cái gì bắt mắt, chú ý, khơi gợi tính tò mò của cộng đồng thì người dùng mạng xã hội sẽ vận dụng tối đa chứ không phải mỗi tình trạng đánh ghen”.
M.H