Người dân đồng tình khi thấy rằng, quan điểm “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đã trở thành hiện thực. Và cũng không khỏi băn khoăn khi nghĩ rằng, một vài bàn tay không thể che nổi cả bầu trời.
Sau ông Nguyễn Thanh Hóa, ông
Phan Văn Vĩnh, sẽ là ai nữa, khi mà để che đỡ cho đường dây đánh bạc xuyên quốc gia này, không thể chỉ một vài người?
|
Bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa |
Cơn rung chấn mạnh
Vụ khởi tố, bắt tạm giam nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Phan Văn Vĩnh được nhiều người gọi là một “cơn rung chấn” mạnh.
Nói như vậy là bởi, không giống những người vi phạm pháp luật thuộc hàng quyền cao chức trọng khác, ông Vĩnh được xác định vi phạm pháp luật ở ngay cái chỗ, mà thường ngày, chiếc còng số 8 chỉ dành cho bọn tội phạm. Ai ngờ bây giờ, chiếc còng ấy lại vận vào tay ông.
Từng là Giám đốc Công an một tỉnh, đứng đầu Tổng cục Cảnh sát - cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm quan trọng của Bộ Công an, thế mà ông Phan Văn Vĩnh bị quật ngã.
Từng được xem là khắc tinh của tội phạm, giờ cái tên Phan Văn Vĩnh lại gắn liền với một vụ án đánh bạc, tổ chức, bảo kê cho đánh bạc xuyên quốc gia, qui mô lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Việc ông Vĩnh bị khởi tố, bắt tạm giam là một mất mát rất lớn không chỉ cho cá nhân ông ta mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Nhưng, “trong cái rủi, có cái may”. Đây sẽ là cơ hội để ngành công an làm trong sạch bộ máy, kiên quyết loại ra khỏi ngành những người không đủ tư cách đang khoác lên mình bộ trang phục công an nhân dân.
Để cán bộ lãnh đạo không bị ''đánh cắp'' nhân phẩm
Ngay trong ngày 6/4, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã ký công điện gửi công an các đơn vị, địa phương yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong lực lượng công an, khẳng định tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh, trong sạch hóa đội ngũ.
Bởi, chỉ có lấy bản lĩnh làm gốc rễ cho phẩm hạnh, người chiến sĩ công an nhân dân nói riêng và đội ngũ cán bộ, đảng viên - nhất là những cán bộ lãnh đạo mới đứng vững trước sự cám dỗ của tiền tài, mới không sa vào mưu hèn kế bẩn, không bị "đánh cắp" nhân phẩm, đạo đức con người. Không chuyên tâm rèn luyện tu dưỡng, không giữ được bản lĩnh thì dù có đọc thuộc làu mấy lời thề danh dự, phỏng có ích gì!
Ông Hóa. Ông Vĩnh. Rồi thì ai nữa? Dư luận xã hội dường như vẫn chưa thôi đồn đoán. Bởi để một đường dây cờ bạc xuyên quốc gia như vậy hoạt động an toàn thu hút hàng vạn người chơi tồn tại trong thời gian dài, một vài bàn tay không thể che nổi bầu trời.
Câu chuyện đau lòng này còn cho thấy những lỗ hổng trong công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Đó là tình trạng kiểm điểm, góp ý phê bình qua loa, hình thức; những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm kiểu “bà đưa chân giò, ông thò chai rượu”, anh nói tốt cho tôi, tôi nói tốt cho anh. Dẫn đến kết quả đánh giá không chính xác, thiếu minh bạch.
Cán bộ lạm dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, thậm chí là vi phạm pháp luật nhưng giỏi che đậy, giỏi thỏa hiệp nên lúc nào cũng ngon lành. Chỉ đến khi về hưu, hoặc bị pháp luật "sờ gáy" thì mới lộ ra biệt thự biệt phủ cùng những khối tài sản kếch xù mà với đồng lương công chức không thể nào có được.
Tội trạng ông Vĩnh như thế nào sẽ được các cơ quan tố tụng điều tra, xét xử trong thời gian tới. Nhưng có một điều chắc chắn là việc ông Vĩnh phải tra tay vào còng đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực và được dư luận đồng thuận.
Người dân thêm tin tưởng hơn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động.
Nguyên cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và trước đó là ông Đinh La Thăng phải đối diện với sự trừng trị của pháp luật là một sự “bảo chứng” cho quyết tâm chính trị đó của Đảng!
Theo Vân Thiêng/Vietnamnet